Vỉa hè Hà Nội sẽ lát đá tự nhiên, bền vững 50-70 năm

ANTD.VN - UBND TP Hà Nội chỉ đạo, từ nay trở đi, tại các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố, vật liệu lát vỉa hè, bó vỉa sẽ chỉ dùng vật liệu tự nhiên, có kết cấu bền vững, đảm bảo sử dụng 50-70 năm. Vỉa hè phải đảm bảo quy chuẩn, khuyến khích mở rộng, có thiết kế cho người tàn tật theo tiêu chuẩn…

Đa số gạch lát hè không đạt chuẩn

Nói về chất lượng gạch lát hè ở nội thành Hà Nội, một doanh nghiệp sản xuất gạch lát hè (đề nghị không nên tên) cho biết, “hầu hết không đạt chuẩn” và được sản xuất bằng phương pháp thủ công là chính. “Muốn có viên gạch tốt không khó, công nghệ mới sẽ giải quyết được ngay. Thế nhưng, suất đầu tư phải cao. Bây giờ muốn có gạch lát hè tuổi thọ mấy chục năm, chống được rêu bám mà giá thấp thì nói thật là không làm nổi” - đại diện doanh nghiệp nói.

Cũng thừa nhận chất lượng gạch lát hè ở Hà Nội rất kém, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Tại nhiều tuyến phố, gạch lát được vài tháng là bắt đầu mất màu và xuất hiện hiện tượng rỗ mặt. Kết quả, sau vài cơn mưa là bám rêu mốc, không an toàn và mất mỹ quan đô thị. Khả năng chịu tải rất kém, xe tải nhẹ cỡ 1 tấn leo lên là vỡ hết gạch. Độ bền cũng ở mức thấp, gạch lát loại tốt nhất cũng chỉ 3-4 năm là phải thay, dẫn tới tình trạng lấp xuống, đào lên liên tục gây nhiều bức xúc”.

“Có quá nhiều nhà sản xuất và cung cấp vật liệu lát hè với công nghệ khác nhau, chất lượng không đồng đều. Nền hè cũng chưa đảm bảo chất lượng do thiếu sót trong thi công và nghiệm thu công trình, cộng thêm ý thức của người sử dụng còn kém nên tại nhiều tuyến phố, vỉa hè đã và đang xuống cấp rất nhanh” – đại diện Sở Xây dựng cho biết.

Người dân hài lòng với các tuyến phố có vỉa hè lát đá tự nhiên

Chủ yếu dùng đá tự nhiên

Trong Năm Trật tự và văn minh đô thị 2016, một vấn đề được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm là thiết kế và thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị. Để đảm bảo tính đồng bộ, văn minh và sử dụng lâu bền các công trình hạ tầng, ngày 23-4-2016, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các dự án hạ tầng trên địa bàn thành phố phải thiết kế đồng bộ hào kỹ thuật hạ ngầm đường dây, cáp điện lực, viễn thông, cấp nước… Quan trọng hơn, UBND TP chỉ rõ: “Vật liệu lát vỉa hè, bó vỉa là vật liệu tự nhiên, kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm”. Đối với các diện tích đất không đảm bảo kích thước hình học theo quy định, phải thu hồi ngay, không để tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” sau khi hoàn thành dự án…

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Phước An đã có văn bản gửi tới các đơn vị sản xuất, cung cấp vật liệu lát hè trên địa bàn thành phố đề nghị xây dựng phương án sản xuất phù hợp với quy định hiện hành. Sở Xây dựng cũng đã 2 lần mời các doanh nghiệp tới làm việc để truyền tải thông điệp trên của thành phố, đề nghị doanh nghiệp hợp tác với Hà Nội, chuyển đổi mô hình sản xuất, cung cấp các loại vật liệu mới cho thành phố. Được biết, giá thành lát đá vỉa hè dưới 500.000 đồng/m2. 

Chấm dứt tình trạng lộn xộn

Giải thích thêm về chủ trương này, ông Lê Văn Dục nói: “Trước mắt, tại 12 quận nội thành, thành phố sẽ không chấp nhận dùng các loại gạch kém chất lượng như trước đây mà chủ yếu dùng đá tự nhiên. Quy định này cũng sẽ giúp chấm dứt tình trạng các chủ đầu tư dự án hạ tầng trên địa bàn Hà Nội mạnh ai nấy làm, mỗi tuyến phố một kiểu gạch lát hè. Doanh nghiệp cung cấp vật liệu lát hè phù hợp sẽ được Sở Xây dựng công nhận, niêm yết giá công khai để các chủ đầu tư lựa chọn”.

Từ sau chỉ đạo của thành phố, nhiều tuyến đường tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân… khi được cải tạo, nâng cấp đã sử dụng vật liệu lát hè, viên bó vỉa bằng đá tự nhiên. Người dân sống tại các khu vực này đánh giá, bộ mặt các tuyến phố khang trang, hiện đại và vỉa hè bền vững hơn rất nhiều so với trước đây. “Chúng tôi rất ủng hộ việc chọn đá tự nhiên làm vật liệu lát hè. Vỉa hè lát đá rất chắc, ô tô leo lên cũng không sao, mưa gió cũng không bào mòn đươc. Tuy chi phí cao hơn thật nhưng làm một lần sử dụng được mấy chục năm, không còn cảnh vài năm lại lật lên, lát lại gây lãng phí, mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới đời sống, đi lại của người dân” - bác Nguyễn Văn Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết.