Vị trí hàng đầu

ANTĐ - Trong một giờ học, giáo sư đưa ra câu hỏi cho các sinh viên: “Ngọn núi cao nhất thế giới là ngọn núi nào?”. Một câu hỏi như vậy đương nhiên đứa trẻ lên 10 cũng có thể trả lời, cả lớp lập tức nhao nhao: đỉnh Everest. Không ngờ giáo sư tiếp tục đặt câu hỏi: “Vậy ngọn núi cao thứ hai thế giới là ngọn núi nào?”. Cả lớp ngẩn ra rồi xôn xao tranh cãi, có vẻ như thông tin này chưa được nhắc đến trong sách báo. 

Không có câu trả lời, giáo sư lại hỏi: “Vậy người đầu tiên bay vào vũ trụ là ai?”. Một câu hỏi cũng rất đơn giản, ai cũng biết đó là Gagarin, song cuối cùng không ai dám trả lời vì biết sẽ không giải được câu hỏi tiếp theo: ai là người thứ 2 bay vào vũ trụ? Thấy vậy, giáo sư quay lại viết lên bảng dòng chữ: Người đứng thứ hai không khác mấy so với những kẻ vô danh.

Đến giờ nghỉ, giáo sư mới đem câu chuyện về một cuộc thử nghiệm mình từng làm 12 năm trước kể cho cả lớp: Ông thường tổ chức các buổi học ngoại khóa cho sinh viên, mỗi lần lại chọn một hội trường khác nhau. Trong suốt 1 năm học, ông nhận ra có những sinh viên luôn chọn cho mình hàng ghế đầu, một số sinh viên khác ngồi bất cứ chỗ nào họ thấy tiện, còn vài sinh viên luôn “trung thành” với mấy hàng ghế cuối. Giáo sư đã ghi lại tên của họ. 10 năm sau, kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ thành công trong số những sinh viên luôn chọn hàng ghế đầu cao hơn hẳn những sinh viên còn lại.

“Không phải cứ nhất định phải đứng ở hàng đầu hoặc luôn luôn là vị trí thứ nhất, nhưng tinh thần cầu tiến, vươn lên để giành được vị trí đó vô cùng quan trọng. Đó là nhân tố quyết định thành công”, giáo sư kết thúc bài giảng của mình.