Vị tổng giám đốc trẻ và cú lừa huy động tiền qua mạng

(ANTĐ) - Vũ Đức Thọ (SN 1984, trú tại thôn Mỹ Lương, huyện Hưng Hà, Thái Bình - ảnh) mở công ty riêng với chức danh tổng giám đốc. Bằng hình thức trả lãi suất ngoại tệ cao tương tự hình thức “bán hàng đa cấp”, Thọ chiếm đoạt số tiền gần 2,5 tỷ đồng của nhiều người…

Vị tổng giám đốc trẻ và cú lừa huy động tiền qua mạng

(ANTĐ) - Vũ Đức Thọ (SN 1984, trú tại thôn Mỹ Lương, huyện Hưng Hà, Thái Bình - ảnh) mở công ty riêng với chức danh tổng giám đốc. Bằng hình thức trả lãi suất ngoại tệ cao tương tự hình thức “bán hàng đa cấp”, Thọ chiếm đoạt số tiền gần 2,5 tỷ đồng của nhiều người…

Ngày 19-10-2007, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Trí Việt (trụ sở tại phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) được thành lập với vốn điều lệ 1 tỷ đồng do Vũ Đức Thọ làm tổng giám đốc. Công ty đăng ký kinh doanh về các lĩnh vực: dịch vụ lưu trữ, cung cấp thông tin thương mại…

Dù không có chức năng hoạt động kinh doanh tiền tệ nhưng tổng giám đốc Thọ vẫn lập trang web Vipviet.com để thu hút vốn từ những thành viên tham gia bằng hình thức kinh doanh tín dụng ngoại tệ đa cấp với lãi suất từ 3,2 đến… 30% một tháng theo 6 chương trình khác nhau của các chương trình 30T đến 10.000T với quy định 1T (đơn vị tiền ảo trong trang web) được quy đổi bằng 1USD. Các chương trình này quy định: người tham gia đầu tư phải nộp vào công ty (hoặc mua của người khác đã tham gia) số tiền 30USD tương đương 30T.

Trong vòng 50 ngày, người tham gia được trả lợi tức mỗi ngày vào tài khoản 1T liên tục trong 30 ngày, 20 ngày tiếp theo mỗi người tham gia được hưởng 0,5T, số 0,5 T lợi tức còn lại sẽ được tái đầu tư và được hưởng hoa hồng khi giới thiệu thành viên khác tham gia (có 5 “tầng” tham gia từ 1 đến 10%). Như vậy, cứ sau 50 ngày người tham gia được nhận 40T tương đương 40USD trong tài khoản và còn có 10T trong tài khoản tái đầu tư nhưng chỉ có trên danh nghĩa mà không được rút hoặc sang nhượng bán lại cho người khác.

Tương tự các chương trình 50T, 100T, 500T đến 10.000T đều có lãi suất tương tự và người chơi càng ở mức cao, lãi suất và “tài khoản tái đầu tư” càng lớn... Để huy động nhiều người tham gia, Thọ còn tổ chức hội thảo, quảng cáo trên internet với sự hứa hẹn trả hoa hồng cao cho những người giới thiệu. Phát hiện sự việc bất thường của trang web này, cơ quan công an đã vào cuộc và làm sáng tỏ chân dung vị “tổng giám đốc” này. Mới đầu, Thọ cho rằng đây là các thành viên trang web chung vốn để huy động đầu tư: bất động sản, vui chơi giải trí… và kiếm lời từ đó. Qua đấu tranh khai thác, Thọ mới khai nhận rằng trên thực tế không hề có các dự án trên và mới chỉ có trong… “ý tưởng”. Số tiền thu được, ngoài việc trả lãi suất cho người chơi thì Thọ dùng để chi tiêu cá nhân hết.

Mới chỉ hoạt động từ ngày 1-10 đến 12-11-2007, trang web này đã có đến 3.578 thành viên tham gia, trong đó có 1.456 thành viên mới chỉ đăng ký tham gia nhưng chưa nộp tiền và 62 thành viên đã nộp tiền vào dự án, còn lại hơn 400 thành viên “ảo” do Thọ tự tạo ra để thu hút người tham gia. Thọ khai nhận đã thu tiền bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của chị gái Thọ và số tiền này cũng chẳng hề qua sổ sách và kế toán công ty. Để chiếm lòng tin, Thọ cũng trả lãi và hoa hồng cho những người tham gia với số tiền hơn 115 triệu đồng. Như vậy, Thọ đã thu của 43 người tham gia với tổng số tiền gần 2,5 tỷ đồng. VKSND thành phố Hà Nội nhanh chóng hoàn tất cáo trạng truy tố Thọ với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4, điều 139 - BLHS.

Ngày 18-12-2009, TAND đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án trên. Tại phiên tòa, Thọ thành khẩn khai nhận mọi hành vi phạm tội của mình. Hơn nữa, trong quá trình điều tra, Thọ đã bồi thường cho những người bị hại số tiền 750 triệu đồng và nộp thêm tại CQĐT 760 triệu đồng để khắc phục hậu quả, nên HĐXX đã nhận định đây là tình tiết giảm nhẹ mức án dưới khung hình phạt cho bị cáo. Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt Vũ Đức Thọ 9 năm tù.                

Nguyễn Hiếu