Vì tiền con tôi sẵn sàng trở thành người... biến thái

ANTĐ - "Ba mẹ cũng là những người quyền cao chức trọng, mà đã bao giờ ba mẹ nhận được một món tiền từ một người không quen biết lớn như vậy mà không đòi hỏi gì chưa?

Suốt tuần qua, cuộc sống của tôi rối bời các anh các chị ạ. Tôi cảm thấy như vừa đánh mất điều gì đó thật là quý giá. Con người ta, dù thế nào đi nữa, cũng cần giữ lại cho mình một phẩm cách cũng như những giá trị bản thân. Khi người ta không còn biết quý trong bản thân mình, thì coi như đã đánh mất cả một cuộc đời và không có gì gột rửa được. Tôi rối trí quá, không biết các anh chị có thể chia sẻ những điều này với tôi không...

Tôi là giáo viên dạy văn, còn chồng tôi làm viêc trong ngành địa chính. Cuộc sống gia đình không quá giàu có, nhưng tôi tự hào là một cuộc sống phong lưu. Tôi chỉ có một mình Đức Văn. Là con trai một, nên có lẽ nó được chiều hơn bạn bè một chút. Từ nhỏ, Văn đã được hưởng một cuộc sống tốt hơn người khác. Quần áo đều là những bộ đồ Lacoste đắt tiền, đến mức bạn bè gọi nó là Văn Lacoste. Đi học, nhờ mối quan hệ của tôi mà Văn được học ở trường điểm, giữa trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh. Và hàng ngày, Văn được tài xế của ba đưa đi đón về. Nhiều bạn bè Văn sống rất vất vả, phải tự đi học bằng xe buýt. Còn con trai tôi đã quá sung sướng khi được hưởng một cuộc sống sung túc. Nó chưa từng phải phục vụ ai, mà ngược lại. Tôi là cô giáo nhưng tôi rất chiều con. Tại vì tôi có một nỗi mặc cảm từ khi còn nhỏ.

 

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em. Từ nhỏ tôi đã phải vất vả bế hết đứa em này đến chăm đứa em khác. Tôi phải làm mọi việc trong nhà, phụ má tôi bán hàng. Đến mức tôi nghĩ, nếu tôi có con, tôi sẽ chăm sóc con tôi thật chu đáo, để nó không phải mang nỗi ấm ức từ nhỏ như má nó. Tôi không có tuổi thơ, càng không có kỷ niệm nào đáng giá. Mọi thứ tùng tiệm lấp liếm và khi lớn lên, tôi luôn khao khát, sẽ có một gia đình hoàn hảo và tôi chăm sóc gia đình đó thật chỉn chu. Chính vì thế, tôi muốn Văn có một cuộc sống tốt hơn những cuộc sống khác. Ba mẹ chồng tôi di cư qua Mỹ, nên thường xuyên gửi về cho cháu đích tôn những thùng hàng lớn. Nói tóm lại là Văn là niềm hy vọng của cả dòng họ, nên chúng tôi rất chiều chuộng, nâng niu...

Văn cao hơn các bạn cùng lớp và đặc biệt mang một vẻ đẹp rất phong trần. Điều này tôi cũng mừng, vì bây giờ học sinh của tôi nhiều cậu trai đi học còn thoa kem đánh phấn nền rồi kẻ mắt như các cô gái. Nhiều cậu nhuộm tóc, ăn nói ẻo lả, gọi một cậu trai nào đó là chồng. Tất nhiên, chuyện riêng tư của học sinh tôi không có quyền can thiệp, nhưng tôi cảm thấy sợ, lỡ con trai mình dính vào những mối quan hệ tương tự. Khi thấy con lớn lên, rất đàn ông và thích những trò chơi đàn ông, tôi mừng rơi nước mắt. Nó hát cũng khá hay, và tôi thường khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thể. Tôi muốn con phát triển độc lập, sống vui vẻ và không phải lo nghĩ quá nhiều về gia đình. Nếu tôi nói, gia đình tôi là một gia đình hạnh phúc cũng không có gì sai. Bởi vì tôi cảm nhận thực sự điều đó.

Nhưng điều đó đã buộc phải thay bằng nỗi lo lắng trong suốt hơn một tuần qua khi tôi lên Facebook của con trai. Thực tình là tôi không cố ý, chỉ là vô tình vào máy tính mà con tôi quên chưa thoát ra khỏi tài khoản của nó. Tôi bất ngờ trước những câu chuyện của con. Cách đây hai tháng, con trai tôi tham gia một cuộc thi hát trên truyền hình. Nó nổi bật ở vòng loại và được chọn vào vòng trong.

Gia đình tôi đã rất vui vì điều đó. Không ngờ, sự xuất hiện của nó làm một người đàn ông Việt kiều say đắm. Tôi đã đọc tất cả tin nhắn (message) của vị Việt kiều và con trai tôi. Ông ta bày tỏ sự ngưỡng mộ và muốn làm quen với con trai tôi. "Anh cảm nhận được sự nóng bỏng và sức hút mãnh liệt của em. Làm bạn với anh nhé. Anh sẽ giúp em nổi tiếng" - ông ta làm quen. Con trai tôi đáp: "Anh sẽ giúp em nổi tiếng bằng cách nào?". "Anh sẽ đầu tư cho em thành một ngôi sao. Nếu muốn, anh sẽ giúp em qua Mỹ để làm ca sỹ" - ông ta tiếp. Và con trai tôi đáp: "Em không thích làm quen với những người già, càng không thích những lời hứa hẹn vớ vẩn của những người chỉ quen đi lừa người khác". Ông ta phản ứng lại: "Anh không lừa em. Anh thực sự say đắm em. Anh muốn có em. Giờ em muốn gì anh cũng làm". Đọc đến đây tôi suýt ngất, không ngờ mọi thứ trong thế giới show-biz lại tăm tối và nhiều cạm bẫy. Tôi sợ hãi nghĩ về con mình và những điều nó có thể sẽ gặp phải. Thời của con tôi đã không còn hồn nhiên như xưa nữa.

Tôi đọc tiếp, và điều đó còn làm tôi kinh hoàng hơn. Con trai tôi đáp: "Nếu anh nói vậy, thử gửi vào tài khoản của em 800 triệu coi". Ông ta đáp: "OK, nhưng vì sao lại là 800 mà không phải 1 tỷ?". "Vì em thích số 8. Nếu anh gửi 800 triệu, chúng ta sẽ chính thức tìm hiểu và làm bạn". "OK. Sáng mai anh sẽ gửi tiền cho em"... "Trời ơi, anh gửi thiệt hả anh? Anh khùng quá vậy? Em nói giỡn mà?". "He he, anh nói là làm mà. Giờ sao cưng?" - ông ta trả lời, giọng đầy mơn trớn. Con trai tôi đáp: "Em bối rối quá. Anh làm vậy em khó xử quá. Em chưa chuẩn bị tình huống này". Ông ta tiếp tục: "Là của anh nha cưng". Và con trai tôi, sau 3 ngày, đã trở lại message đó và nhắn tin: "OK anh, đây là số điện thoại của em...".

Tôi ngồi bệt xuống sàn nhà. Mồ hôi toát đầm đìa. Lẽ nào con tôi đã thành một người khác? Tôi không biết phải làm gì. Tôi gọi điện cho chồng tôi. Anh ấy đang trong một cuộc ăn nhậu. Anh không hiểu nổi tại sao lại có câu chuyện như vậy. Chúng tôi đã gọi con trai tôi về nhà. Và điều tôi không ngờ nhất, là con tôi đã không hề tỏ ra hối hận khi làm chuyện đó.

Chồng tôi đã không còn đủ sức để đánh con nữa, vì con tôi đã thành người cao lớn và khỏe mạnh nhất nhà. Tôi đã khóc rất nhiều và khuyên con đủ chuyện. Chúng tôi nói, sẽ ra ngân hàng, truy lại tài khoản gửi và chuyển lại số tiền đó. Nhưng con tôi nói, nó đã sử dụng số tiền đó cho việc mua hàng hiệu và ăn chơi khá nhiều. Nó muốn sống cuộc sống riêng của nó. Và cơ bản, không phải là chuyện tiền của ai, mà là nó đáng được hưởng như vậy. "Ba mẹ cũng là những người quyền cao chức trọng, mà đã bao giờ ba mẹ nhận được một món tiền từ một người không quen biết lớn như vậy mà không đòi hỏi gì chưa?" - con tôi phản pháo.

Tôi nói với con trai tôi, tại sao con sẵn sàng vì tiền mà trở thành một người biến thái đến như vậy? Con trai tôi cãi lại, nó nói nó không làm gì cả, nó chưa từng làm chuyện gì xấu và nếu ai thích làm bạn của nó thì cứ việc, còn nó có yêu người ta không lại là chuyện khác. "Vậy là con lừa dối người ta để lấy tiền tiêu?" - tôi thốt lên. Con trai tôi điềm nhiên: "Con không lừa ai. Chính con cũng không nghĩ ông ta khùng như vậy. Ông ta khùng thì ráng chịu chứ”. Tôi tát thẳng tay vào mặt nó. Ôi, tôi đã không thể ngờ bao nhiêu công nuôi dưỡng và chăm sóc của gia đình giờ đã đào luyện thành một thằng thanh niên hư hỏng, hưởng thụ và ích kỷ từ trong bản chất, bất chấp những thứ luân thường đạo lý và hoàn toàn không biết tôn trọng chính bản thân mình. Tôi ngồi khóc. Còn con tôi lấy xe máy bỏ đi.

Con tôi đã đi một tuần. Nó vẫn liên lạc với gia đình, nhưng không về nhà. Nó nói nó có thể tự lo được cho cuộc sống của mình. Tôi rối bời. Cảm thấy bế tắc kinh khủng. Làm thế nào để gột rửa được nỗi ô nhục này và con trai tôi sẽ quay về là chính nó như xưa?

Vì tiền con tôi sẵn sàng trở thành người... biến thái ảnh 2 

Nguyễn Hoàng Hạnh, nhân viên markeitlng, TP Hồ Chí Minh:

Chào chị, tôi nghĩ rằng con chị đã lớn và tự quyết định cuộc sống của mình. Chị hãy nối lại đàm thoại với con và cố gắng hiểu, chia sẻ với con để có thể giúp con quay lại con đường chân chính. Chị cố gắng liên hệ với người Việt kiều kia để gửi lại ông ta số tiền đó. Đó là cách để con chị thấy được mình cần phải sống có trách nhiệm hơn. Chị có một cái sai là quá nuông chiều con và không hướng cho con đến những giá trị đạo đức cụ thể ngay từ nhỏ. Và sai lầm này của con chị chính là một cú vấp mà cả gia đình chị cần phải vượt qua...

Lê Châu Kha, nhà thiết kế thời trang, TP Hồ Chí Minh:

Tôi nghĩ vợ chồng chị cần tìm gặp và nói chuyện với con. Bởi vì con chị đã quá được nuông chiều, nên mới xảy ra sự hư hỏng về tư tưởng như vậy. Bởi vì chính nó không nghĩ việc nhận tiền của người khác là sai nên mới xảy ra chuyện đó. Chị cũng không nên nghĩ con mình là biến thái, bởi khi chị có định kiến như vậy là đẩy con ra khỏi vòng tay mình và sống theo kiểu "không còn gì để mất". Hãy đối thoại và cố gắng kéo con về phía gia đình. Mong chị sáng suốt.

Trung Lạc, chuyên gia trang điểm, TP Hồ Chí Minh:

Chị đã sai lầm khi chiều chuộng con quá nhiều từ nhỏ, không cho con biết được giá trị thực sự của những đồng tiền chân chính. Chỉ quen nhận mà không biết cho đi, nên con chị không nhận ra rằng, để có 800 triệu thì phải lao động cực khổ thế nào. Chị cần thay đổi suy nghĩ của chính mình trước khi đến gặp con. Bởi vì con chị sẽ chỉ nghe lời mẹ, khi mẹ thực sự hiểu và chia sẻ.