Vi Thùy Linh sắp giã từ tự do

(ANTĐ) - Gặp Vi Thùy Linh ở Hội Nhà văn Việt Nam, Linh khoe, “tớ chuẩn bị ra một tập thơ dành cho thiếu nhi đấy, “sốc” không?”.
Không chơi với Linh hơn chục năm nay, cứ gặp nhau, câu trước câu sau lại thấy nói về trẻ con, về ước mơ làm mẹ, vì thế, nếu Vi Thùy Linh - nữ nhà thơ từng gây xôn xao văn đàn về những vần thơ tình mãnh liệt, có làm thơ dành tặng cho những đứa con tương lai của mình thì cũng là chuyện bình thường.
Hơn 10 năm trước, khi còn là cô sinh viên Học viện Báo chí, Vi Thùy Linh đã dệt nên những vần thơ thế này “Con ơi… con ơi/Không biết bao lần mẹ đặt tay lên bụng gọi con/Mẹ khao khát mang con, mặt trời đang phôi thai trong mẹ/Mẹ muốn có thật nhiều mặt trời/Con ơi, con ơi/Hãy theo tình yêu của cha đậu vào lòng mẹ” - (Những mặt trời đang phôi thai). Cũng chính từ những vần thơ khao khát yêu thương đến mức cuồng nhiệt đó, mà Vi Thùy Linh từng bị dư luận “đánh” cho tơi tả một thời. Giờ thì sóng gió đã qua. Cũng có thể, Linh đã chín chắn hơn, đủ bản lĩnh để vượt lên trên dư luận, hoặc cũng có thể, dư luận đã quen với một Vi Thùy Linh “lần nào đến cũng mang theo bí mật”.
Vi Thùy Linh sắp giã từ tự do ảnh 1

Vi Thùy Linh trình diễn thơ cùng nghệ sĩ Đào Anh Khánh trên Sân thơ trẻ 2011

Bạn bè và những người thân của Linh đều quá quen với hình ảnh Linh, đi đâu cũng “tay xách nách mang”, túi to túi nhỏ. Chả nhìn vào túi cũng đoán được bên trong là cái gì. Một túi toàn sách, thơ, của Linh và cả những nhà văn, nhà thơ mà Linh kính trọng. Gặp ai quý mến, là lấy sách, lấy thơ ra tặng, hoặc đôi khi chỉ là bán hộ tác giả sách. Còn túi kia là trăm thứ đồ dành cho trẻ con, gói kẹo, gói bánh, cục tẩy mang hình gấu Pooh xinh xắn, cái bàn chải đánh răng hay vài hộp bút màu…
Biết nhà bạn bè có trẻ con là tặng, bao giờ cũng dặn đi dặn lại là “nhớ về bảo là cô Linh tặng nhé”… Lúc ân cần là thế, song cũng nhiều lúc, đứng gần Linh là thấy mình như muốn nổ tung, cảm giác như kề bên một lò than rực lửa bởi tính cách quyết liệt đến mức cực đoan. Quyết liệt bảo vệ những điều mà Linh cho là chân lý hay phản biện lại những điều mà Linh nghĩ là chưa hợp lẽ. Cũng chính vì tính quyết liệt này, nhiều người “sợ” Linh bởi trong Linh tồn tại nhiều thứ quá độ, yêu quá độ, nồng nàn quá độ và thông minh cũng quá độ. 15 năm quen biết, quá hiểu tính cách của bạn mình, đã có nhiều lúc tôi trộm nghĩ, người đàn ông nào chiều được Linh, chịu được Linh hẳn phải là người có trái tim “khác thường”. Nhưng tôi tin, những điều “khác thường” kia vẫn luôn luôn tồn tại và cứ sống trong sáng thế, hẳn sẽ được đền đáp.
Quyết liệt, không nhân nhượng trong “tuyên ngôn tình yêu” trước mỗi vần thơ: “Em tin ở ngày mai của đôi ta/Khi đôi mắt anh nhìn thấy trong mắt em những đứa bé chờ được sinh ra, và hoan hỉ gọi” - (Đôi mắt anh). Linh coi thơ và tình yêu là vùng thiêng, mà tình yêu đích thực luôn hòa quyện giữa thể xác  và tâm hồn. Thông qua tình yêu - cái “vỏ” mà Linh luôn dùng như một thông điệp để giải quyết những ý tưởng về ái quyền (quyền yêu và cách yêu) về tự do, dám là mình, hãy sống cật lực và nên thơ hơn… Thế nhưng ngoài đời, Linh lại tự nhận, mình là mẫu phụ nữ cổ điển, hay mủi lòng, đa cảm và thủy chung.
Có lẽ, tôi là một trong số cả trăm người đã từng hỏi Linh cùng một câu hỏi: liệu đàn ông có sợ những người phụ nữ quá thông minh hay không? Linh đã trả lời rằng: “Đàn ông đích thực không sợ phụ nữ thông minh và nồng nàn. Họ chỉ sợ những người lục ví, kiểm tra điện thoại, tra vấn họ đi đâu, ở đâu với ai suốt mỗi tiếng đồng hồ. Tôi sẽ tự nguyện bé nhỏ, để người đàn ông của tôi mạnh mẽ”. Yêu đối với Linh còn là tinh thần thuộc về nhau, đề cao sự trọn vẹn của tinh thần, không cần luôn hiện diện, vẫn say đắm, tương tư nhau ở mọi nơi, lúc xa hay khi đang bên cạnh.  
“Sớm gì”, đó là câu hỏi mà Vi Thùy Linh hỏi lại tôi khi tôi vừa ngấp nghé thắc mắc về vấn đề thời gian của tập thơ viết cho thiếu nhi “Chu du cùng ông nội” sắp được NXB Kim Đồng ấn hành vào trung tuần tháng 7 này. Linh úp mở rằng, đó là tập thơ cuối cùng trước khi cô “giã từ tự do”… để tập trung vào những việc khác. Có thể là sẽ ra mắt một cuốn tiểu thuyết, một vài tập bút ký hay lấy chồng và sinh con chẳng hạn. Những đứa trẻ trong thơ của Linh hiện lên thế này: “Bầy con tôi phúng phính/Răng sún má lông tơ/Ham ăn như heo đói/Dắt bố mẹ vào mơ”.
Không chỉ dành cho trẻ con, “Chu du cùng ông nội” còn là món quà mà tác giả tặng cho chính mình, nhớ về mình, về tuổi thơ gian khó. Và trong thơ Linh, mỗi đứa trẻ đều là hiện thân của “sứ giả yêu thương” dắt người lớn chìm vào phút giây êm ả:  “Mùi da thịt bụ sữa của con khiến bốn bề bỗng nhiên ngây thơ ngào ngạt/ Biển rộng ra, núi rừng xanh nguyên sinh, da trời liền lại/Hoa muôn loài ùa về Việt Nam ta nở theo mái tóc của những bé xù/Đêm tháng 5 mẹ nằm chờ sáng”.
Tình yêu con trẻ làm cho người lớn trong sáng hơn, nhân hậu hơn, bớt đi những chai sạn và mưu toan, những lo lắng và tham vọng. Và khi đọc những vần thơ Vi Thùy Linh viết cho con trẻ ta thấy cần thiết phải duy trì sự lãng mạn trong cuộc sống tấp nập này.