Vị thế Interpol Việt Nam: “Chiến đấu” trên đất bạn

ANTĐ - Gia nhập tổ chức Interpol quốc tế vào tháng 11-1991, đến thời điểm này, Interpol Việt Nam vừa tròn 20 năm đóng góp trí, lực của mình, vừa cùng Cảnh sát hình sự quốc tế phòng ngừa, đấu tranh tội phạm xuyên quốc gia, vừa trau dồi bản lĩnh, góp phần giữ vững ổn định ANCT - TTATXH của đất nước. Lặng lẽ nhưng không kém phần quyết liệt, mỗi chiến công mà Interpol Việt Nam lập được đã mở ra những “mắt xích” cho cuộc chiến chống tội phạm trên toàn cầu.

Cán bộ văn phòng Interpol Việt Nam dẫn giải đối tượng người nước ngoài phạm pháp (dấu X)

Cuối tháng 6-2008, Interpol Việt Nam nhận được công văn của CQĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị phối hợp truy bắt 4 tên tội phạm nguy hiểm đã trốn khỏi trại giam rồi vượt biên trái phép. Bốn đối tượng đó cùng quê Hà Tĩnh, gồm: Trần Sỹ Bá, 30 tuổi và Trần Văn Quyền, 26 tuổi, nhà ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc; Nguyễn Viết Sơn, 27 tuổi, nhà ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, và Trần Văn Quân, 33 tuổi, nhà ở xã Hà Linh, huyện Hương Khê.

Nguồn tin nghiệp vụ cơ quan công an nắm được, sau khi trốn khỏi trại giam, 4 đối tượng trên đã vượt biên giới trái phép sang Lào, từ đó sang Thái Lan. Để công tác truy bắt đạt hiệu quả cao, Văn phòng Interpol Việt Nam đã đề nghị Tổ chức Interpol phát lệnh truy nã quốc tế đối với 4 kẻ bỏ trốn. Đồng thời, Bộ Công an Việt Nam đã đề nghị Cảnh sát Thái Lan phối hợp xác định tung tích và truy bắt 4 phạm nhân trốn trại.

Tháng 8-2009, tổ công tác gồm 4 cán bộ của Công an tỉnh Hà Tĩnh và Văn phòng Interpol Việt Nam đáp máy bay sang Thái Lan. Bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ sắc bén, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Interpol Thái Lan và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, ngay trong vòng 10 ngày đầu tiên, tổ công tác đã tiếp cận được hàng chục đầu mối, qua đó “khoanh” được nơi lẩn trốn của 2 đối tượng Nguyễn Viết Sơn và Trần Văn Quân, lúc này đã mang tên khác. Có vẻ như bản chất lưu manh đã ăn vào máu, nên ngay cả khi sống ở nơi đất khách quê người, 2 tên này vẫn “mưu sinh” bằng “nghề”… trộm cắp. Quái nhất là Trần Văn Quân; tên này biết tiếng Thái và thay đổi chỗ ở liên tục để tránh bị phát giác, do y sử dụng giấy tờ cư trú bất hợp pháp. Nắm được điểm yếu này, khoảng cuối tháng 8-2009, tổ công tác của ta đã đề nghị Interpol Thái Lan và cảnh sát địa phương xác minh nơi tá túc và kiểm tra giấy tờ tùy thân của Trần Văn Quân. Đối tượng này lộ ngay ra việc sử dụng giấy tờ giả cũng như việc vượt biên trái phép, lập tức bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ. Nguyễn Viết Sơn cũng sa lưới sau đó ít ngày.

Vẫn còn 2 đối tượng Quyền và Bá đang lẩn trốn. Ngày 23-9, Văn phòng Interpol Việt Nam và Công an Hà Tĩnh tiếp tục chuyến công tác thứ hai để truy bắt 2 tên này. Phối hợp cùng Văn phòng Interpol Thái Lan, tổ công tác của ta đã nhanh chóng bắt gọn tên Quyền khi đang lẩn trốn ở Bangkok. Số phận kẻ trốn trại cuối cùng - Trần Sỹ Bá, ly kỳ nhất. Dò tìm khắp các kênh, mãi rồi, tổ công tác của ta sau khi được tiếp cận với hệ thống tàng thư của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, mới phát hiện tên Bá đang “yên vị” tại trại giam về tội trộm cắp tài sản. Trong trại, gã mang tên là Et, quốc tịch Lào. Song do Việt Nam và Thái Lan chưa có hiệp định chuyển giao người bị kết án song phương, nên phải đến đầu năm 2010, tổ công tác Công an Việt Nam mới trở sang Thái Lan “đón” Trần Sỹ Bá, ngay khi y hoàn thành án tù và bị trục xuất về nước.

Một trong những chiến công mới nhất của Interpol Việt Nam phải kể đến vụ bắt Mai Đức Vượng (SN 1981), nhà ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng. 30 tuổi nhưng đối tượng này có tới chục năm lăn lóc cùng đám lưu manh, côn đồ. Dưới “trướng” Vượng luôn có những kẻ sẵn sàng vì “đàn anh” mà đâm chém người vô tội, hoặc thanh toán thù hằn, đòi nợ, dằn mặt. Tại phố Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, Vượng mở một quán karaoke kiêm hiệu cầm đồ, thực chất là ổ cờ bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, cho vay nặng lãi. CQĐT xác định từ năm 2008 đến tháng 8-2011, Vượng cùng đàn em gây ra khoảng 6 vụ trọng án trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Tháng 5-2008, Vượng sai đàn em dùng súng “hoa cà, hoa cải” bắn trọng thương anh Nguyễn Thế Mạnh, nhà ở quận Hải An, chỉ vì anh này khúc mắc với Vượng trong giao dịch cầm cố 1 chiếc xe máy. Tháng 10-2009, Vượng chỉ đạo đàn em dùng súng bắn trọng thương anh Vũ Hưng Ngọc, nhà ở quận Ngô Quyền, cũng vì y cảm thấy “bực” anh Ngọc trong quá trình làm ăn. Hơn 2 tháng sau đó, ngày 28-12-2009, tại khu vực ngã 3 Phạm Minh Đức, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, trực tiếp Vượng cùng 3 đàn em dùng dao đâm anh Trần Doãn Chung, nhà ở phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền vì mâu thuẫn nợ tiền cá cược bóng đá.

Những vụ trọng án sau đó diễn ra với tần suất liên tục, thể hiện rõ bản chất côn đồ của Mai Đức Vượng. Trong một lần đang ngồi tán phét ở quán karaoke với đàn em, Vượng phát hiện một khách hát tên là Cương đang cãi cọ với đám “lâu la” của mình. Không chút chần chừ, Vượng huy động 5 tên đàn em đuổi đánh và dùng súng “hoa cải” bắn trúng mặt anh Cương. Gần đây nhất, tháng 8-2011, tại phố Hai Bà Trưng, Vượng sai đàn em dùng súng bắn 5 phát vào anh Nguyễn Chí Kiên, khi anh này đang ăn sáng.

Với trách nhiệm là “tác giả”, đầu trò hàng loạt vụ án trên, Mai Đức Vượng bị CQĐT CATP Hải Phòng khởi tố về các tội danh giết người, cố ý gây thương tích. Nhưng kể từ lúc đó, tung tích tên trùm “xã hội đen” này đột nhiên biệt tăm. Nhận định đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài, CATP Hải Phòng đã có công văn đề nghị Interpol Việt Nam phối hợp truy tìm.

(Còn nữa)