Vì sao vụ không kích Baghuz khiến nhiều dân thường thiệt mạng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ mở cuộc điều tra về vụ không kích hôm 18-3-2019 ở Baghuz (Syria) khiến hàng chục người thiệt mạng. Sau khi công khai thừa nhận điều này, Lầu Năm Góc muốn lật lại quy trình để làm rõ sai lầm trong những ngày cuối cùng của chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Khu vực Baghouz (Syria) dưới làn bom đạn của quân đội Mỹ vào tháng 3-2019

Khu vực Baghouz (Syria) dưới làn bom đạn của quân đội Mỹ vào tháng 3-2019

5 điều cần làm rõ

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John F. Kirby ngày 29-11-2021 nói với các phóng viên rằng, kết quả điều tra sẽ được công bố sau 90 ngày. Ông Kirby cũng cho hay, quân đội sẽ xem xét về cuộc không kích ở Syria để xác định 5 vấn đề: Thương vong dân sự đến đâu? Các biện pháp giảm thiểu thương vong dân sự đã thực hiện phù hợp chưa? Vụ tấn công có tuân thủ luật chiến tranh không? Ai phải chịu trách nhiệm? Có nên thay đổi quy trình hoặc đơn vị nào trong tương lai? Cuộc điều tra sẽ do Tướng Michael X. Garrett - Chỉ huy Bộ Tư lệnh các lực lượng Lục quân Hoa Kỳ đứng đầu. Tướng Garrett được chọn một phần vì ông là tướng 4 sao, phần nữa là ông không liên quan đến vụ không kích nên thông tin sẽ có phần khách quan hơn. Thông báo về cuộc điều tra được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi Lầu Năm Góc lần đầu tiên công khai thừa nhận chi tiết của cuộc tấn công ngày 18-3-2019, nằm trong chiến dịch truy quét IS ở Baghouz (một thị trấn dọc biên giới Syria với Iraq).

Đại úy Hải quân Bill Urban - Phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ cho biết, quân đội đã mở cuộc tấn công sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ từ các lực lượng đồng minh ở Syria và sau khi binh sĩ Mỹ tại hiện trường báo cáo không thấy dân thường. Đại úy Urban thông tin, 16 chiến binh và 4 dân thường thiệt mạng, nhưng có hơn 60 trường hợp tử vong khác mà quân đội không thể “xác định chính xác đặc điểm”, bao gồm “nhiều phụ nữ và ít nhất 1 trẻ em được trang bị vũ khí”.

Đây là vụ điều tra cấp cao thứ hai trong những tuần gần đây về các cuộc không kích mà quân đội Mỹ đã thực hiện, nhưng sau đó phải thừa nhận là nhiều dân thường thiệt mạng. Đầu tháng 11-2021, Lầu Năm Góc đã thừa nhận, vụ tấn công nhắm vào nghi phạm khủng bố IS-Khorasan hôm 29-8-2021 ở Kabul đã khiến 10 thường dân (bao gồm một nhân viên cứu trợ và 7 trẻ em) thiệt mạng. Quân đội Mỹ coi đó là một “sai lầm bi thảm”, nhưng không nói đến bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm.

Thay đổi về mặt chiến thuật

Các báo cáo về cuộc không kích năm 2019 của Mỹ khiến 64 dân thường thiệt mạng tại thị trấn Baghuz (Syria) do IS kiểm soát đã khiến hàng triệu người Mỹ bàng hoàng. Nhưng điều này có lẽ không có gì lạ nếu xem xét chiến thuật của binh sĩ Mỹ ở vùng đất xung đột này.

Theo bài phân tích của Scott Ritter - cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân lục chiến Mỹ đăng trên trang Russia Today ngày 18-11-2021, muốn hiểu rõ về sự kiện Baghuz thì cần phải tìm hiểu chiến thuật tại 2 chiến dịch lớn của liên quân do Mỹ dẫn đầu là Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria). Cuối năm 2014, IS phát động cuộc tấn công lớn, chiếm được nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq (bao gồm cả thành phố Mosul của Iraq). Nhưng Mosul cuối cùng đã trở về tay các lực lượng Iraq vào tháng 7-2017. Có điều, cuộc chiến giành lại thành phố này cực kỳ khó khăn với thương vong nặng nề cho cả 2 bên. Theo số liệu của liên quân, khoảng 326 thường dân đã thiệt mạng. Chìa khóa của chiến thắng là việc sử dụng sức mạnh của Không quân Mỹ trong việc tiêu diệt khả năng chiến đấu của IS. Dù không triển khai binh sĩ chiến đấu trực tiếp, nhưng đặc nhiệm Mỹ đã được bố trí ngay sau tiền tuyến để trao đổi trực tiếp với chỉ huy quân đội Iraq nhằm tạo ra các cuộc không kích chính xác vào IS.

Ngay từ trận chiến Mosul, đã có cáo buộc liên quân oanh tạc không chính xác hay nhắm mục tiêu quá mức vào dân thường. Trung tướng Stephen Townsend - Chỉ huy lực lượng Đặc nhiệm liên hợp tại chiến dịch đã biện hộ rằng, liên quân đã thực hiện “các biện pháp đặc biệt để bảo vệ tính mạng dân thường, cân nhắc từng thời điểm mà dân thường có thể trong khu vực mục tiêu, đồng thời sử dụng loại bom đạn chỉ tiêu diệt 1 căn phòng chứ không phải toàn bộ tầng nhà hoặc toàn bộ tòa nhà”. Tuy nhiên, mọi việc rõ ràng hơn trong trận chiến ở Raqqa (Syria) diễn ra từ tháng 6 đến tháng 10-2017. Đây được coi là tiền đề cho các quy trình mà lực lượng Mỹ sử dụng để thực hiện cuộc tấn công Baghuz vào tháng 3-2019. Trận chiến giành Raqqa bắt đầu vào ngày 6-6-2017, khi Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd được Mỹ hậu thuẫn bắt đầu cuộc tấn công trên bộ.

Tình thế đã thay đổi so với trận Mosul, đầu tiên là quy tắc tham gia. Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào tháng 1-2017, ông đã cho phép điều chỉnh các quy tắc để quân đội linh hoạt hơn khi tiêu diệt IS. Cụ thể, trước đây, thẩm quyền phê duyệt các cuộc không kích phải là chỉ huy của Lực lượng Đặc nhiệm liên hợp (tướng 3 sao). Nhưng sau đó, quy định mới cho phép chỉ cần sĩ quan điều hành của Trung tâm tác chiến chung (tướng 1 sao) là đã có thể ra quyết định.

Điểm khác biệt thứ hai là vai trò trực tiếp của SDF trong điều phối hỗ trợ hỏa lực. Các thành viên của SDF đã được cấp máy tính bảng Samsung được tải lên ứng dụng có tên là Bộ nhận thức nhóm Androi (ATAK). Trước đó, ATAK chỉ được sử dụng trong binh lính chính quy, khác với SDF là đội quân phi nhà nước. Sử dụng ATAK, các tay súng SDF sẽ vẽ các tọa độ GPS trên hình ảnh vệ tinh đã được tải trước vào thiết bị. Hình ảnh đã được chú thích để mọi tòa nhà và đối tượng địa lý chính được đánh dấu bằng một ký hiệu chữ và số duy nhất. Ví dụ, nếu một chỉ huy SDF muốn tòa nhà A32 bị phá hủy, anh ta sẽ gửi yêu cầu này tới Ban Kiểm soát tấn công chung (JTAC). Lệnh không kích được phê duyệt, JTAC sẽ liên lạc với máy bay để thực hiện cuộc không kích.

Điểm khác biệt thứ ba là sự hiện diện của các đơn vị pháo binh Thủy quân lục chiến. Trong suốt 5 tháng kể từ tháng 3-2017, khẩu đội pháo M777 của Thủy quân lục chiến đã bắn hơn 35.000 viên đạn pháo 155mm vào các mục tiêu của IS quanh Raqqa. Trong một so sánh, trong Chiến dịch Bão táp sa mạc (Chiến tranh Vùng Vịnh đầu năm 1991), Thủy quân lục chiến và Lục quân Mỹ đã sử dụng 760 khẩu pháo để bắn khoảng 60.000 viên đạn. Trong khi tại cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, quân đội Mỹ đã bắn 34.000 viên đạn pháo này. Kết quả là, các binh sĩ Thủy quân lục chiến đã tiêu diệt tàn quân IS hơn bất kỳ lực lượng nào khác.

Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định điều tra cáo buộc giết hại dân thường ở Syria

Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định điều tra cáo buộc giết hại dân thường ở Syria

Nguyên tắc có thể bị bỏ qua

Ở trận Raqqa, pháo binh và máy bay ném bom là công cụ đắc lực của quân Mỹ. Pháo binh Mỹ ở Raqqa đã hoạt động tối đa công suất, được quyền bắn tự do suốt 24h/ngày, 7 ngày/tuần. Trong khi đó, do sự hiện diện của máy bay Syria và Nga gần đó, các phi công Mỹ không thể bay qua khu vực mục tiêu mà phải bay vào, thả vũ khí rồi bay vòng ra. Các phi công thường kể rằng, họ nhận được thông tin tóm tắt về nhiệm vụ rất chung chung như: “Chúng tôi đang cố gắng tấn công những tay súng bắn tỉa ở đô thị dày đặc này. Tôi cần bạn hỗ trợ bằng cách thả bom vào tòa nhà 4 tầng trong thành phố”. Việc thiếu thông tin tình báo chính xác cũng là một vấn đề. “Tình báo và trinh sát không nhìn thấy thường dân ẩn náu bên trong các tòa nhà” - một phi công Mỹ nhận xét.

Các cuộc điều tra của Bộ Quốc phòng Mỹ sau khi trận chiến Raqqa kết thúc cho thấy, chỉ có 159 dân thường thiệt mạng trong 5 tháng giao tranh. Nhưng báo cáo chi tiết của Tổ chức Ân xá quốc tế nói rằng, ít nhất 1.600 thường dân đã chết. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế khi thảo luận về Luật Xung đột vũ trang đã xác định 2 nguyên tắc cơ bản mà các chỉ huy quân sự phải xem xét khi chiến đấu ở điểm nóng có lẫn dân thường. Đó là nguyên tắc “Phân biệt”. Phải phân biệt rõ ràng giữa chiến binh và dân thường, giữa mục tiêu quân sự và các đối tượng dân sự. Nguyên tắc thứ hai là “Tỷ lệ”. Khi các mục tiêu quân sự bị tấn công, phải giảm thiểu tỷ lệ thiệt hại đối với dân thường và các đối tượng dân sự. Ở trận Raqqa, quân đội Mỹ được cho là đã vi phạm cả 2 nguyên tắc này. Bởi thế, trận Raqqa trở thành khuôn mẫu cho tất cả các hoạt động chống IS có sự tham gia của SDF và binh sĩ Mỹ sau này. Hệ quả là, trong chiến dịch truy quét IS xung quanh Baghuz vào tháng 3-2019, họ đã có một cỗ máy liền mạch và việc “giết nhầm” dân thường cũng là điều dễ hiểu.

Tháng 3-2019, chiến đấu cơ F-15E của Không quân Mỹ đã ném bom để hỗ trợ lực lượng người Kurd tấn công tàn quân IS ở quanh Baghuz (dọc biên giới Syria - Iraq). New York Times là tờ báo đầu tiên tiết lộ, vụ không kích đã khiến khoảng 80 người, bao gồm 64 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng.