Vì sao UAV Mỹ chuyên không kích nhầm đám cưới, đám ma?

ANTĐ - Cựu nhân viên cơ quan an ninh quốc gia Mỹ Edward Snowden đã đưa ra tuyên bố rằng, máy bay không người lái (UAV) của Mỹ chuyên thả bom vào... đám ma, đám cưới, chứ không đánh khủng bố.

Hãng "Interfax" ngày 8-11 đưa tin, “Người thổi còi” Edward Snowden, hiện đang sinh sống ở Nga vừa đưa ra tuyên bố cho biết, thương vong dân thường lớn sau các vụ không kích của Mỹ ở Syria và Iraq là do tình báo nước này chỉ nhắm mục tiêu theo điện thoại di động.

Cựu nhân viên cơ quan an ninh quốc gia Mỹ tiết lộ, quân đội Mỹ chỉ cần định vị được chiếc điện thoại được cho là của tay khủng bố nào đó là tay tấn công ngay.

Và tất nhiên là họ không thể biết lúc đó chiếc điện thoại này đang trong tay tên khủng bố hay mẹ của hắn; cũng chẳng cần biết là chủ nhân của nó đang ở một mình hay đứng chỗ đông người.

"Đó là lý do chính trả lời cho câu hỏi tại sao Mỹ lại ném bom nhầm vào đám cưới, đám ma hay bệnh viện nhiều đến thế" - Snowden cho biết.

Hồi tháng 10-2015, trang tin The Intercept cũng đã công bố những tài liệu mật, do một người được mệnh danh là “Snowden 2” cung cấp cho thấy rằng, 90% những người bị giết bởi UAV Mỹ là dân thường, không liên quan đến các mục tiêu khủng bố.

 Vì sao UAV Mỹ chuyên không kích nhầm đám cưới, đám ma? ảnh 1UAV Mỹ chủ yếu tấn công mục tiêu theo sóng điện thoại, không cần biết mục tiêu lúc đó đang ở đâu

Ông Jeremy Scahill và người đồng sáng lập trang web The Intercept Laura Poitras cáo buộc, Lầu Năm Góc đã cố tình “giết nhầm hơn bỏ sót” và che giấu con số thương vong thực sự với dân thường, thể hiện sự vô trách nhiệm với tính mạng của dân các nước nghèo ở châu Á, châu Phi.

Tập tài liệu do trang này công bố có chứa những báo cáo giải mật về các chiến dịch UAV của quân đội Mỹ tại Somalia và Yemen giai đoạn 2011 - 2013, do nhóm Đặc nhiệm bí mật 48-4 thực thi và liên quan đến chiến dịch nhắm vào các mục tiêu “giá trị cao” kéo dài 14 năm qua. 

"Các tài liệu ghi chép về chiến dịch đặc biệt Haymaker do Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt hỗn hợp (JSOC) của Không quân Mỹ tiến hành từ tháng 1-2012 đến tháng 2-2013 ở miền Bắc Afghanistan đã nêu con số hơn 219 người chết, trong đó chỉ có 35 đối tượng là mục tiêu trực tiếp ban đầu" - cuộc điều tra của Intercept cho biết.

Thế nhưng sau đó, trong các tài liệu chính thức của Lầu Năm Góc, tất cả những người vô tội bị giết trong các vụ không kích lại được gán cho cái mác là “kẻ thù bị tiêu diệt trong chiến đấu” (EKIA), với quan điểm là “bất kỳ ai bị bắt gặp xung quanh mục tiêu không kích đều có tội liên đới”.

Hiện trường vụ UAV Mỹ không kích một đám cưới ở làng Al-Wahijah, gần thành phố cảng Al-Mokha nằm ở ven bờ Biển Đỏ, thuộc Yemen, ngày 28-9-2015, khiến ít nhất 27 người, hầu hết là phụ nữ và trẻ em thiệt mạng

Evard Snowden khẳng định, không hề có tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS nào trước khi Mỹ bắt đầu ném bom Syria và Iraq, chính việc sử dụng các UAV giết người bừa bãi đã tạo ra nhiều kẻ khủng bố hơn là tiêu diệt chúng.

Cựu nhân viên cơ quan an ninh quốc gia Mỹ khẳng định, mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực đã được tạo ra bởi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Trước những cáo buộc của trang The Intercept và Snowden, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và JSOC đã chọn cách im lặng. Tuy nhiên, các chuyến tuần tiễu - tấn công của máy bay không người lái Mỹ vẫn tiếp tục tăng lên và các vụ tai nạn của chúng cũng liên tiếp xảy ra.

Ngày 17 và 19-10, liên tiếp 2 chiếc MQ-1 Predator của Mỹ, mang tên lửa không đối đất Hellfire bị rơi ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Còn ngày 8-11, một sát thủ khác là MQ-9 Reaper của Mỹ cũng đã bị rơi khi vừa bay tuần tra về và chuẩn bị hạ cánh tại căn cứ không quân Ali Al Salem của Kuwait.

Chỉ trong thời gian ngắn ngủi 20 ngày, đã có 3 chiếc UAV của Mỹ bị rơi ở khắp nơi trên thế giới, chứng tỏ mật độ và không gian hoạt động rất rộng lớn của chúng. Có vẻ như những cáo buộc của bất cứ ai cũng không hề tác động gì đến khả năng tiếp tục sử dụng những “quái vật không lý trí” này của Washington.