Vì sao trò chơi Flappy Bird bị khai tử khi đang “hot”?

ANTĐ - Đang kiếm được số tiền được cho là lên tới 50.000USD mỗi ngày qua nguồn thu quảng cáo trên trò chơi Flappy Bird, vì sao lập trình viên trẻ người Việt Nam Nguyễn Hà Đông, 29 tuổi lại quyết định khai tử đứa con tinh thần đang gây “bão” trên thế giới này? 
Vì sao trò chơi Flappy Bird bị khai tử khi đang “hot”? ảnh 1
Lập trình viên Nguyễn Hà Đông - tác giả của trò chơi

Nhận diện “cơn sốt toàn cầu”

Trong thông báo được đăng tải trên tài khoản Twitter lúc 2h09 sáng 9-2, Nguyễn Hà Đông viết bằng tiếng Anh: “Trong 22 tiếng nữa, tôi sẽ gỡ trò Flappy Bird xuống. Tôi không thể chịu đựng nổi nữa”. 

Thông báo đó, cùng với những thông tin được đăng tải trên mọi phương tiện truyền thông những ngày qua đã khiến ngay cả người không bao giờ quan tâm đến công nghệ hay game phải để mắt đến. Cái tên Nguyễn Hà Đông cùng sản phẩm của anh - trò Flappy Bird trở thành từ khóa “hot” được tìm kiếm trên google với số lượng khủng - 252 triệu lượt truy cập.  

Flappy Bird xuất hiện từ giữa năm 2013, tuy nhiên trò chơi này chỉ mới “gây sốt” trong một tuần qua trên cửa hàng trực tuyến      App Store và Google Play và tạo thành trào lưu trên mạng xã hội khi thu hút hơn 50 triệu lượt tải chỉ trong vài ngày. Nó đứng đầu trong danh sách các miễn phí được tải về nhiều nhất trên cả hai nền tảng iOS và Android.  

Mặc dù được thiết kế đơn giản, nhưng Flappy Bird lại khiến cho người chơi gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên tắc của trò này rất đơn giản là giữ cho chú chim bay qua một loạt các chướng ngại vật là các ống cống màu xanh, trò chơi chỉ kết thúc khi chim va vào chướng ngại vật. Lý giải về nguyên nhân khiến Flappy Bird trở thành hiện tượng toàn cầu, tạp chí The Atlantic của Mỹ xếp Flappy Bird vào dòng game     Masocore (tức dòng game khổ sở để ghi điểm). Đây là loại game “khó chịu” với những kịch bản “thử và phạm lỗi”, khiến người chơi cứ chạm mặt lặp đi lặp lại tới muốn phát khùng với cái màn hình “Game over” để rồi bị cuốn hút trở lại chơi từ màn đầu với độ háo hức không ngừng tăng lên. Nhiều người chơi bình luận chung ý kiến: “Lý do duy nhất mà tôi chưa xóa bỏ trò chơi này là cái cảm giác choáng ngợp của sự nhẹ nhõm và thành quả mà tôi cảm nhận được khi cuối cùng tôi cũng có thể đạt được mức điểm cao”.

Ảnh minh họa cho thấy cư dân mạng thất vọng khi trò Flappy Bird bị gỡ xuống

Hiệu ứng ngược

Không chỉ khiến giới công nghệ thế giới điên đảo, Flappy Bird ngay lập tức mang lại cho lập trình viên Nguyễn Hà Đông nguồn thu lớn từ bán quảng cáo. Trả lời phỏng vấn tờ The Verge, Đông tiết lộ anh kiếm được trung bình 50.000USD mỗi ngày. Lập trình viên 29 tuổi này cũng nhanh chóng trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới. Nhiều tờ báo hẹn được phỏng vấn anh. Cái tên Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird cũng xuất hiện trên các trang mạng và cả những tờ báo nổi tiếng thế giới như Time, USA Today, Reuters, Forbes, PC Magazine, Huffington Post, Atlantic…  

Không giống như các nhà phát triển game thành công khác như Rovio Entertainment - tạo ra trò chơi hấp dẫn Angry Birds và có hàng trăm lập trình viên, Nguyễn Hà Đông nói rằng, anh tự mình tạo ra Flappy Bird chỉ trong vài đêm. “Trò chơi của tôi rất đơn giản nên không cần nhiều người lập trình”, Đông nói. Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, có thể coi Flappy Bird là niềm tự hào của ngành ứng dụng Việt Nam xét trên cả phương diện thành công về lượt tải hay mức doanh thu, bởi vậy nó cũng sẽ là liều thuốc kích thích để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hơn nữa trong việc phát triển các ứng dụng game hướng ra thị trường thế giới.

Dầu vậy, trước khi đạt được hiệu quả đó, Flappy Bird lại khiến “cha đẻ” của mình khốn đốn. Đầu tiên là những cáo buộc những ống cống trong trò chơi này giống chướng ngại vật trong trò Mario. Tiếp theo, có thông tin chỉ trích Nguyễn Hà Đông đạo ý tưởng một game mang tên Piou Piou vốn được phát triển trên Android và iOS từ năm 2011. Sau đó là việc Tổng Cục thuế tuyên bố vào cuộc để điều tra thu nhập của Flappy Bird… Trên trang Twitter cá nhân, Đông từng gọi trò Flappy Bird là một thành công, nhưng rồi anh phải kêu lên “nó đã  phá hoại cuộc sống đơn giản của tôi”.

Giao diện Flappy Bird - trò chơi đầy ma lực

Quyết định gây thất vọng

Đúng như tuyên bố, 1h sáng 10-2, Nguyễn Hà Đông đã gỡ Flappy Bird khỏi 2 gian hàng trực tuyến App Store và Google Play. Nhiều người đã chất vấn Đông trên Twitter về quyết định khai tử trò chơi này khi chỉ một ngày trước đó anh còn nói về việc phát triển phiên bản cho thiết bị Windows Phone. Một số người cho rằng việc gỡ bỏ trò chơi này có thể chỉ là tạm thời và là một chiêu tiếp thị giống như hãng Disney. Các bộ phim của hãng này không có mặt trên các cửa hàng trong vài năm cho đến khi chúng được phát hành trở lại. Tờ USA Today đã trích lời blogger Robert Scoble của Mỹ viết trên Facebook rằng: “Trong 1 tuần Đông đã kiếm đủ số tiền để sống vài năm mà không cần lương”. Scoble cũng cho rằng, bằng cách gỡ Flappy Bird, Đông đã thu hút được sự chú ý lớn cho game tiếp theo của mình: “Mọi người sẽ mua game mới và khiến cậu ta giàu có hơn, bởi nỗi sợ rằng cậu ta cũng sẽ xoá game đó”, Scoble nhận định.  

Trong khi đó, Reuters dẫn lời 2 người bạn của Đông cho biết, hãng phát triển trò chơi điện tử nổi tiếng Super Mario là Nintendo của Nhật Bản đã gửi thư cảnh cáo tới lập trình viên này, và đây có thể là nguyên nhân đằng sau việc gỡ bỏ Flappy Bird. Tuy nhiên, khi được hỏi về thông tin trên, hãng này nói rằng, họ không nghĩ đến việc kiện Đông vi phạm bản quyền. “Điều này nghe có vẻ giống tin đồn. Và nếu là tin đồn, chúng tôi đương nhiên không đưa ra bình luận gì”, đại diện truyền thông của Nintendo nói. Đông cũng cho biết, quyết định gỡ trò Flappy Bird xuống không liên quan đến các vấn đề pháp lý. 

Mặc dù Đông chưa đưa ra lời giải thích cụ thể nào cho việc khai tử trò Flappy Bird, nhưng trong cuộc trò chuyện với phóng viên trang game Kotaku thông qua Twitter, Đông cho biết, anh không muốn mọi người quá lạm dụng trò chơi và trở nên nghiện. Vì thế, đây có thể là lý do giải thích vì sao anh đã gỡ trò chơi xuống.