Vì sao Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân?

ANTD.VN - Sáng 9-9, Triều Tiên đã bất ngờ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5. Đây là vụ thử hạt nhân được xác định có sức công phá mạnh hơn cả quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sự kiện này đã nhanh chóng nhận sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Hình vẽ mô tả tâm sóng rung chấn do vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Vụ thử hạt nhân mạnh nhất

Sau vụ thử hạt nhân sáng 9-9, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết có rung chấn mạnh 5,3 độ Richter xảy ra tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, Triều Tiên. Ngay sau đó, Triều Tiên tuyên bố thử thành công vụ nổ đối với một đầu đạn hạt nhân, đúng ngày kỷ niệm 68 năm quốc khánh nước này 9-9. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng đưa tin cuộc thử nghiệm xác nhận đầu đạn hạt nhân mới có thể gắn được lên tên lửa. 

Sau vụ thử lần thứ 5 từ trước đến nay và là vụ thử thứ 2 kể từ đầu năm, Bình Nhưỡng khẳng định không có bụi phóng xạ lọt ra không khí và vụ thử không gây tác động xấu với môi trường. Mỹ đã cử máy bay thu thập mẫu không khí để xem có bụi phóng xạ gần bãi thử hay không. Trong khi đó, số liệu của Trung Quốc cho thấy không có bụi phóng xạ ở hai tỉnh biên giới với Triều Tiên là Cát Lâm và Liêu Ninh.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định sức công phá của bom hạt nhân Triều Tiên là 10 kiloton, tương đương 10.000 tấn thuốc nổ TNT. Tuy nhiên, chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Quốc tế học Middlebury cho rằng sức công phá của vụ nổ hạt nhân này còn lớn hơn nhiều- “Đây là vụ thử lớn nhất của Triều Tiên tính tới nay, ít nhất là từ 20 đến 30 kiloton”.

Rung chấn chỉ ra rằng vụ nổ có sức công phá lớn hơn quả bom nguyên tử Mỹ từng thả xuống Hiroshima trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2 và có thể lớn hơn cả quả bom hạt nhân được thả xuống Nagasaki sau đó. 

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Cộng đồng quốc tế đã đồng loạt chỉ trích Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân mới nhất. Ngày 10-9, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc đã kịch liệt lên án Bình Nhưỡng, đồng thời khẳng định sẽ sớm đưa ra một nghị quyết trừng phạt mới nhằm đáp trả hành động này. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp kín, Chủ tịch luân phiên của HĐBA trong tháng 9, Đại sứ New Zealand tại Liên hợp quốc Gerard van Bohemen cho rằng Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của HĐBA và tạo ra mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình thế giới.

Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời gọi đây là sự vi phạm trắng trợn các nghị quyết của HĐBA - “Tôi hy vọng HĐBA sẽ đoàn kết và đưa ra những hành động phù hợp. Chúng ta cần ngay lập tức phá vỡ vòng xoáy của sự leo thang này”. 

Mỹ, Anh và Pháp đã thúc giục HĐBA áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power cho rằng Liên hợp quốc cần đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các nghị quyết trừng phạt trước đó, nhằm cho Triều Tiên thấy rằng sẽ có những hậu quả cho các hành động phi pháp và nguy hiểm của nước này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết thúc đẩy các biện pháp trừng phạt quốc tế mới nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, đồng thời lên án đó là một mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực cũng như hòa bình và trật tự thế giới. Nhà lãnh đạo Mỹ đã tham vấn qua điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Tổng thống Obama nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi nhất trí làm việc với HĐBA Liên hợp quốc, các đối tác Sáu bên và cộng đồng quốc tế để thực thi mạnh mẽ các biện pháp hiện đang tồn tại đã được áp đặt trong những nghị quyết trước đây, thực hiện các bước đi bổ sung quan trọng, trong đó có các biện pháp trừng phạt mới”.

Tại Đông Bắc Á, Hãng Thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 9-9 đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để đối phó với động thái được cho là thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên diễn ra trước đó cùng ngày. Bên cạnh đó, nhiều nước như Đức, Ấn Độ, Mexico cũng lên tiếng chỉ trích vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. 

Trừng phạt khiến Triều Tiên sợ hãi?

Kịch bản quen thuộc của Mỹ sau mỗi lần Triều Tiên thử tên lửa hoặc hạt nhân là đe dọa tăng biện pháp trừng phạt và cô lập hơn nữa, song đã không thể làm Triều Tiên sợ hãi và thay đổi tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo cùng vũ khí hạt nhân. Có lẽ đã đến lúc Washington cần phải xem xét lại chiến lược đối phó với một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.

Theo mạng tin tình báo Stratfor, Triều Tiên có thời kỳ coi chương trình vũ khí hạt nhân như quân bài để mặc cả nhằm buộc Mỹ phải có thêm sự nhượng bộ và viện trợ. Tuy nhiên, giờ đây chương trình phát triển hạt nhân không còn là thứ mà Bình Nhưỡng sẵn sàng đánh đổi để thu về sự hỗ trợ kinh tế và những lời hứa về hiệp ước bất tương xâm.

Trong năm qua, Triều Tiên đã đẩy nhanh các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa, đặc biệt chú trọng vào các hệ thống tên lửa cơ động và tầm xa hơn như là tên lửa Musudan/Hwasong-10 và các tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn tiến hành thử các công nghệ re-entry (tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đến đúng mục tiêu dự định rồi quay trở lại) vốn rất cần thiết cho các tên lửa tầm trung và tên lửa đạn đạo.

Mặc dù Mỹ đã triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương cũng như trong phạm vi lãnh thổ của mình, nhưng hệ thống phòng thủ này chưa hoàn thiện. Do đó, Bình Nhưỡng tính toán rằng nếu họ có thể chứng tỏ khả năng đưa thiết bị hạt nhân bay tới lãnh thổ của Mỹ, Washington sẽ phải điều chỉnh những tính toán thiệt hơn của việc tấn công hay gây bất ổn định Triều Tiên. Khi không còn là quân bài đàm phán, chương trình hạt nhân của Triều Tiên đóng vai trò sống còn trong chiến lược an ninh quốc gia. 

Bình Nhưỡng hiện đang theo đuổi chính sách “byungjin”, nghĩa là coi trọng vũ khí hạt nhân ngang với sự phát triển kinh tế. Mặc dù Triều Tiên không dễ gì đạt được các mục tiêu đề ra, song những chính sách của Mỹ nhằm cản trở hay đảo ngược tham vọng của nước này đã chứng tỏ là không có hiệu quả. Do đó, câu hỏi đặt ra không phải là làm cách nào để ngăn chặn Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, mà là làm thế nào để xử lý các mối quan hệ khu vực một khi Bình Nhưỡng đạt được khả năng này.