Vì sao Tổng thống Lebanon từ chối điều tra quốc tế về vụ nổ Beirut?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng thống Lebanon Michel Aoun mới đây cho biết, cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ khiến 170 người thiệt mạng ở Beirut sẽ làm suy yếu chủ quyền của đất nước và chỉ “lãng phí thời gian”. Tuy nhiên, chính phủ Lebanon hiện tại có thể không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận một cuộc điều tra quốc tế về thảm kịch nói trên.

Phát biểu với các phóng viên vào tuần trước, nhà lãnh đạo Lebanon nói rằng sẽ không mở cuộc điều tra bởi vì “nếu chúng tôi không thể quản lý chính mình, không ai có thể quản lý chúng tôi được cả”.

Tổng thống Michel Aoun (giữa) thị sát hiện trường vụ nổ ở Beirut, cam kết điều tra toàn diện sự việc

Tổng thống Michel Aoun (giữa) thị sát hiện trường vụ nổ ở Beirut, cam kết điều tra toàn diện sự việc

Tội ác chống lại loài người

Không nhiều người biết rằng, mặc dù không ủng hộ ý tưởng mở cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ nhưng trong cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Lebanon đã đề nghị Pháp cung cấp các bức ảnh vệ tinh về cảng Beirut. Ông Aoun cùng với giới lãnh đạo nước này cùng thừa nhận rằng lô hàng ammonium nitrate - hóa chất rất dễ nổ đã được cất giữ ở trung tâm thủ đô suốt nhiều năm.

Các nhà phân tích, các nhân vật đối lập và những người biểu tình cho rằng, Tổng thống Michel Aoun và giới tinh hoa chính trị Lebanon sẽ cố tình che đậy những gì đã xảy ra vì ngày càng có nhiều khả năng cho thấy vụ nổ lớn cấu thành tội ác chống lại loài người, bất kể nguyên nhân là gì.

Cuộc điều tra quốc tế về vụ nổ ở Beirut có thể được thực hiện theo nguyên tắc Trách nhiệm Bảo vệ (R2P), một cam kết chính trị toàn cầu được tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc xác nhận vào năm 2005 nhằm ngăn chặn tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh lọc sắc tộc và tội ác chống lại loài người. “Nếu cộng đồng quốc tế cho rằng vụ nổ này có thể được coi là tội ác chống lại loài người, khiến dân thường bị đe dọa, thì R2P có thể được sử dụng cho một cuộc điều tra quốc tế, độc lập, bất kể chính phủ có chấp thuận hay không” - ông Imad Salamey, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lebanon - Hoa Kỳ cho biết.

Lo ngại nhiều bí mật sẽ bị lộ?

Ông Michel Aoun, 85 tuổi, nắm quyền từ năm 2016. Khi đảm nhận chức vụ tổng thống, khẩu hiệu của ông là “thay đổi và cải cách”. Tuy nhiên, các chính phủ kế tiếp nhau ở Lebanon đã không thực hiện được cải cách mà cộng đồng quốc tế và người dân nêu ra. Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) yêu cầu Lebanon cải cách để kiềm chế nạn tham nhũng tràn lan. Chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab - cả Nội các đã từ chức sau vụ nổ, cũng không thể thay đổi gì nhiều, do đó đã trì hoãn đàm phán về viện trợ của IMF. Bởi vậy, các nhà phân tích tin rằng, một cuộc điều tra quốc tế sẽ là “đòn quyết định” đối với giới tinh hoa cầm quyền, vốn đã nắm quyền trong nhiều thập kỷ sau cuộc nội chiến 1975-90.

Bassel Salloukh, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Lebanon - Hoa Kỳ cho rằng, nguồn tham nhũng đáng kể nhất ở nước này là cảng Beirut. “Họ - tầng lớp chính trị - đang nghĩ, “chúng tôi đã mất doanh thu của mình”, đó là lý do tại sao họ lo lắng”. Một cuộc điều tra quốc tế sẽ tìm ra “nhiều vết nhơ” về các hoạt động bất hợp pháp tại cảng Beirut, bao gồm cả buôn lậu sang Syria.

Một lý do khác khiến các quan chức Lebanon muốn kiểm soát các cuộc điều tra là để họ có thể sử dụng nó về mặt chính trị để che chắn cho các đồng minh và những người ủng hộ. “Về cơ bản, họ có thể chĩa vào đối thủ và chính trị hóa các cuộc điều tra”, Giáo sư Salamey nói với Al Arabiya.

Thoái thác trách nhiệm về các vụ nổ hôm 4-8, ông Aoun cho biết nguyên nhân không loại trừ sự can thiệp từ bên ngoài vào. Về mặt an ninh, cảng nằm dưới sự bảo trợ của Hezbollah và các lực lượng dân quân vũ trang khác. “Tổng thống được hiến pháp và luật giao phó phải bảo vệ Lebanon nhưng đã thất bại, nên ông ấy cũng phải chịu trách nhiệm giống như Thủ tướng”, Giáo sư Imad Salamey nói.