Vì sao tiền điện cao bất thường?

ANTĐ - Sai sót xảy ra tại một xã của huyện Sóc Sơn khi có khoảng 200 hộ trên tổng số 300 hộ gia đình bị ghi thiếu số điện. Trong khi đó, rất nhiều hộ dân khác lại than thở tiền điện phải thanh toán theo hóa đơn tăng cao bất thường.

Một số hộ dân thắc mắc vì hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng cao bất thường

Tiền điện nơi tăng, nơi giảm

Rất nhiều câu hỏi liên quan đến giá điện đã được gửi tới lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tại cuộc họp chiều 7-7. Theo phản ánh, tại một xã của huyện Sóc Sơn xảy ra tình trạng ghi thiếu số điện cho khoảng 200 hộ dân, chiếm 2/3 tổng số khách hàng mua điện của xã này. Tại sao lại xảy ra chuyện “hi hữu” như vậy?

Ông Nguyễn Quang Trung- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) thừa nhận có sai sót trên, nhưng số khách hàng bị ghi sai đã được nhập lại hóa đơn mới theo đúng số điện dùng trong công tơ. “Công ty Điện lực Sóc Sơn đã tạm đình chỉ 2 công nhân ghi số điện. Trong quá trình làm việc có thể có sai sót, chúng tôi sẵn sàng thẩm tra khi nhận được thông tin”- ông Nguyễn Quang Trung nói.

Cho biết cụ thể hơn về trường hợp nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói: “Theo báo cáo tôi nhận được thì khu vực đó có người nghiện, ghi số điện khó nên 2 công nhân sợ đã bỏ về. Họ ang áng số điện sử dụng các tháng để ghi hóa đơn. Hai công nhân trên đã bị cho thôi việc và đơn vị liên quan đã có biện pháp xử lý để ghi đúng công tơ”. 

Nhiều khách hàng khác lại cho rằng, tiền điện trong tháng 6 tăng quá cao so với tháng trước, mặc dù mức độ sử dụng các thiết bị điện vẫn tương đương tháng 5. Lý giải cho điều này, đại diện EVN Hà Nội cho hay, nhiều đợt nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 6-2014 nên nhu cầu làm mát tăng cao. Có những khu vực: Hoàng Mai, Đống Đa… sản lượng điện sinh hoạt tiêu dùng của tháng 6 tăng 40-60% so với tháng 5. Chỉ tính riêng tháng 6-2014, số khách hàng sinh hoạt của Hà Nội dùng điện tăng gấp 1,5 lần so với tháng 5 là hơn 686.000 khách hàng, chiếm 34% tổng số khách hàng sinh hoạt. Số lượng khách hàng tăng gấp 2 lần cũng tăng so với tháng trước, chiếm 17% tổng số khách hàng. Bên cạnh đó, các gia đình có học sinh nghỉ hè, thời gian sử dụng điều hòa và các thiết bị làm mát trong gia đình nhiều, chu kỳ làm hóa đơn tiền điện tháng 6 lại trùng vào dịp nắng nóng nên tiền điện tăng là điều dễ hiểu.

Tiền điện tăng do điều chỉnh biểu giá bán lẻ?

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, liệu có phải đợt điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện từ 1-6-2014 so với giá bán lẻ điện cũ làm cho giá điện tăng hay không? Đại diện Bộ Công Thương đã bác bỏ nghi vấn này và khẳng định, từ 1-6-2014, giá điện được điều chỉnh theo khung giá bán lẻ mới chứ không phải là tăng giá điện. “Trong những khiếu nại về giá điện thì có 72% khiếu nại là của khách hàng sử dụng trên 400 kWh/tháng, 28% khách hàng dùng từ trên 100 kWh/tháng đến dưới 400 kWh/tháng. Không có khách hàng nào dùng dưới 100 kWh/tháng khiếu nại cả” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích.

Theo ông Đinh Thế Phúc- Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), đợt điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện lần này phần lớn khách hàng được giảm tiền điện hàng tháng. Cụ thể, đối với khách hàng sử dụng dưới 100 kWh/tháng, tiền điện hàng tháng giảm hơn 8.000 đồng; khách hàng sử dụng 200 kWh/tháng, tiền điện giảm 19.800 đồng… “Cách tính giá điện đã được công bố công khai”- ông Đinh Thế Phúc nhấn mạnh.

Một chuyên gia kinh tế cho biết, so sánh 2 cơ cấu biểu giá điện (áp dụng từ 1-6-2014 và biểu giá điện cũ áp dụng trước thời điểm này) thì ở quyết định lần này, một số đối tượng sử dụng điện sẽ được ưu ái mức giá “dễ chịu” hơn. Cụ thể, bậc thang từ 0-100 KWh sẽ có giá bán lẻ dưới giá bán lẻ điện bình quân; bậc thang 151-200 KWh giảm từ mức 134% xuống mức 110%; bậc thang 201-300 KWh giảm từ 145% xuống 138%; bậc thang 301-400 KWh giảm nhẹ từ 155% xuống 154%. Đối tượng duy nhất chịu giá điện cao hơn là bậc thang 101-150 KWh tăng từ 106% ở quy định cũ lên mức 110% ở quy định mới sau khi được gộp với bậc thang 151-200 KWh thành một bậc thang với mức giá chung. Tuy nhiên, đáng chú ý là đối tượng sử dụng điện ở mức 101-150 KWh/tháng theo khảo sát lại chiếm trên 60% tổng số hộ tiêu thụ điện sinh hoạt ở Việt Nam và rơi vào đối tượng người dân ở nông thôn, miền núi hoặc người dân có mức thu nhập trung bình trở xuống ở thành thị.