Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Syria?

ANTD.VN - Ngày 24-8, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động chiến dịch “Lá chắn sông Euphrates”, điều động xe tăng và lực lượng đặc nhiệm tràn qua biên giới tới chiến đấu cùng phe nổi dậy Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ để giành lại thị trấn Jarabulus từ tay Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Giới phân tích cho rằng quyết định này thực chất là nỗ lực của Ankara nhằm ngăn chặn cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ thành hiện thực, đó là nguy cơ ra đời một khu tự trị của người Kurd ở Syria. 

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Syria? ảnh 1 Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới của Syria

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ huy động lực lượng tràn qua biên giới sang Syria, nhóm Hồi giáo cực đoan IS đã rời bỏ thị trấn biên giới Jarabulus ngay lập tức. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chiến dịch của Ankara không hẳn là nhằm trực tiếp vào IS mà thực chất, động thái này được tiến hành nhằm mục đích ngăn chặn đà tiến của lực lượng người Kurd tại Syria, vốn đang kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. 

Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi phong trào Đơn vị Tự vệ Nhân dân người Kurd (YPG) là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - Tổ chức vốn bị Ankara quy kết là tổ chức “khủng bố”.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo mạnh mẽ rằng họ sẽ phản đối việc thiết lập khu tự trị người Kurd ở phía Bắc Syria. Nhận định về vấn đề này, ông Aron Lund, chuyên gia về Syria tại Trung tâm Carnegie Endowment vì hòa bình quốc tế phân tích: “Vấn đề người Kurd dường như đang đứng đầu danh sách những ưu tiên cần giải quyết ở Syria của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Viễn cảnh PKK thành lập một khu tự trị có nguồn thu từ dầu mỏ và được Mỹ hậu thuẫn ở biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ là cơn ác mộng đối với Ankara”. 

Người Kurrd hiện chiếm khoảng 15% dân số Syria. Họ đã tránh không đứng về phe Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay phe nổi dậy kể từ khi cuộc xung đột ở nước này bùng nổ vào tháng 3-2011. Thay vào đó, người Kurd tập trung xây dựng các thể chế bán tự trị và đến tháng 3-2016 tuyên bố thành lập “khu vực liên bang” gồm “3 bang” ở phía Bắc và Đông Bắc Syria.

Được sự hậu thuẫn của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, YPG đã chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng này để giành quyền kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Syria. Đây là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người, trong đó có 60% là người Kurd. Tuy nhiên, 2 trong số 3 “bang” của người Kurd vẫn bị chia tách khỏi “bang” còn lại bởi vùng lãnh thổ do IS kiểm soát và Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo rằng họ sẽ không cho phép YPG đạt được bước tiến nhằm thiết lập một khu tự trị bao gồm các thị trấn liền kề. 

Việc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - liên minh gồm các tay súng Ả-rập và YPG được Mỹ hậu thuẫn - chiếm lại thành phố Manbij ngày 23-6 đã trở thành phép thử đối với “tối hậu thư” nêu trên của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau thành công ở Manbij, người Kurd đã tuyên bố kế hoạch tiến tới thị trấn Al-Bab do IS chiếm đóng để kết nối 2 “bang” Kobane và Afrin của họ. Ông Mutlu 

Civiroglu, chuyên gia hàng đầu về người Kurd, nhận định rằng việc SDF giải phóng thị trấn Manbij đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng và từ đó Ankara đã thực hiện một số nỗ lực để ngăn chặn bước tiến này. Theo chuyên gia này, nếu IS thực sự là mục tiêu, thì Thổ Nhĩ Kỳ lẽ ra đã tiến hành chiến dịch từ cách đây rất lâu, bởi IS đã kiểm soát Jarabulus trong thời gian dài. Tuy nhiên, chuyên gia Civiroglu không cho rằng cuộc can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngăn chặn các tham vọng của người Kurd.

Trong khi đó, chuyên gia Aaron Stein của Trung tâm Rafik Hariri nghiên cứu về Trung Đông thuộc Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng cuộc can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm nhiều mục đích. Ông Aaron Stein nêu rõ: “Kế hoạch tấn công vào Jarabulus nhằm đạt hai mục tiêu có liên quan, đó là đánh đuổi IS khỏi biên giới, trong khi ngăn chặn người Kurd được tự do giành lấy Jarabulus và kết nối với thị trấn Afrin”.

Phản ứng trước động thái can thiệp quân sự của Ankara, người phát ngôn YPG Redur Xelil đã tuyên bố rằng Ankara không có quyền can thiệp vào Syria. Ông Xelil nhấn mạnh rằng: “YPG là lực lượng người Syria và Thổ Nhĩ Kỳ không thể áp đặt những hạn chế với bước tiến của người Syria trên lãnh thổ của Syria”. Điều mà ai cũng biết là Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nhà bảo trợ “có máu mặt” cho phe đối lập Syria kể từ khi cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad nổ ra năm 2011. Tuy nhiên, chuyên gia Civiroglu cho rằng, Ankara có thể trông chờ vào sự mâu thuẫn trong tư tưởng của Damascus bởi hiện chính quyền của Tổng thống Assad đang coi người Kurd là mối đe dọa và bước tiến của người Kurd đã làm Damascus quan ngại sâu sắc. 

Nói về tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Fabrice Balanche - chuyên gia về Syria tại Viện Washington nói rằng Ankara sẽ phải hành động mạnh mẽ hơn nếu họ muốn ngăn chặn người Kurd thành lập vùng lãnh thổ gồm các thị trấn liền kề. Ông nêu rõ: “Người Kurd vẫn có thể kết nối Afrin với Manbij thông qua một hành lang nhỏ nếu họ chiếm được thị trấn Al-Bab từ tay IS. Việc chiếm đóng thị trấn Jarabulus sẽ không ngăn chặn người Kurd kết nối các “bang” của họ, trừ khi Thổ Nhĩ Kỳ điều động xe tăng xuống phía Nam tới thị trấn Al-Bab”. Tuy nhiên, đồng minh của ông Assad là Nga, quốc gia vừa làm ấm lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, khó có khả năng ủng hộ một chiến dịch như vậy của Ankara. 

Lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại Syria vẫn khá mỏng, bởi vậy, có vẻ như hiện nay Ankara chưa thể có kế hoạch chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ khác ở Syria. Trong bối cảnh này, Washington cũng cảnh báo người Kurd không nên tiến sang phía Tây.

Theo chuyên gia Stein, YPG có thể đánh chiếm tới Al-Bab, nhưng hiện chưa rõ liệu họ có thể làm vậy hay không nếu không có sự trợ giúp của không lực Mỹ. Trước mắt, chỉ có thể khẳng định một điều là với sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria, tình hình chiến sự ở quốc gia này vốn đã phức tạp nay sẽ càng phức tạp hơn, và tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường. Chỉ cần một tính toán sai lầm của một trong các bên, Syria, đất nước vốn đã bị xé nát bởi chiến tranh, sẽ còn bị lún sâu hơn nữa vào vòng xoáy chiến tranh tàn khốc. Và cũng không loại trừ khả năng Syria sẽ trở thành mồi lửa làm bùng nổ thùng thuốc súng Trung Đông vốn đã tiềm ẩn rất nhiều căng thẳng giữa các lực lượng và phe phái phức tạp.

Tổng thống Nga - Thổ Nhĩ Kỳ điện đàm

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm về tình hình Syria. Cơ quan báo chí Điện Kremlin cho biết: “Theo sáng kiến của phía Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra một cuộc điện đàm của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan… Các nhà lãnh đạo tiến hành trao đổi kỹ lưỡng quan điểm về tình hình Syria. Tầm quan trọng của những nỗ lực chung phù hợp với cuộc chiến chống khủng bố đã được ghi nhận”. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước đã thảo luận tiếp tục phát triển sự hợp tác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và thương mại.