Vì sao thang máy là nơi nhiều "dê xồm" chọn để dở trò đồi bại?

ANTD.VN -Mới đây, clip ghi lại cảnh bé gái bị một người đàn ông có hành vi quấy rối trong thang máy khiến cộng đồng mạng bức xúc. Sự việc một lần nữa cho thấy, tình trạng dâm ô trong thang máy ngày càng phổ biến. Sau những vụ việc này, điều khiến nhiều phụ huynh băn khoăn là tại sao kẻ xấu lại lợi dụng lúc di chuyển trong thang máy để dở trò đồi bại? Cách đề phòng nạn quấy rối tình dục trẻ em trong thang máy?

Không chỉ tại Việt Nam mà ở một số nước khác tình trạng dâm ô trong thang máy đã trở thành vấn nạn. Sở dĩ các đối tượng xấu lại chọn nơi này để dở trò là do thang máy ngày càng trở thành phương tiện di chuyển phổ biến có tốc độ nhanh trong các tòa nhà chung cư và tòa nhà cao tầng.

Ca bin thang máy có diện tích khá nhỏ. Khi di chuyển cánh cửa thang máy khép lại, chẳng khác nào một căn phòng chật chội đóng kín cửa khiến người ở ngoài không thể quan sát được. Do đó, trong trường hợp nếu trong thang máy có đông người, đối tượng quấy rối sẽ lợi dụng hoàn cảnh đông đúc để thực hiện hành vi sàm sỡ. Còn nếu trong thang máy chỉ có hai người, nếu một trong 2 có ý định dở trò quấy rối, người còn lại cũng khó có thể thoát thân được, đặc biệt là trẻ nhỏ - Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú phân tích.

Phụ huynh không nên để trẻ đi thang máy một mình, đặc biệt là ở nơi vắng vẻ hay quá đông đúc

Những vụ việc đáng tiếc đã xảy ra thời gia qua là lời cảnh báo, bài học sâu sắc đối với các bậc cha mẹ khi để con nhỏ đi thang máy, xe buýt hoặc ở nơi công cộng một mình.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi thang máy, theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, cha mẹ cần dạy trẻ quan sát kỹ trước khi bước vào. Nếu trong thang máy chỉ có 1 người hoặc đèn không sáng thì nên chờ hoặc chuyển sang thang khác.

Khi ở trong thang máy, trẻ cần giữ khoảng cách và hạn chế trò chuyện với người lạ, không tiết lộ thông tin cá nhân, đồng thời nhanh chóng lùi lại nếu thấy người lạ cố gắng đến gần hay có hành động đụng chạm. Cha mẹ cần dạy trẻ đứng gần phần bảng điều khiển và dựa lưng sát tường để có thể ấn nút khẩn cấp, ấn nút tầng gần nhất để kịp thời thoát ra ngoài.

Khi trẻ đi thang máy mà không có người lớn đi cùng, phụ huynh cũng cần hướng dẫn con tập trung quan sát, không nên dán mắt vào sách truyện, đồ chơi, điện thoại. Khi bị tấn công, trẻ cần nhanh chóng nhấn nút dừng lại càng nhiều tầng càng tốt. Khi thấy người lạ tấn công mình, thay vì sợ sệt, co rúm vào một góc hay đứng yên chịu trận, trẻ cần có phản ứng quyết liệt như hét thật to vào mặt đối tượng khiến hắn sợ bị phát hiện,  từ đó tạm dừng hành vi quấy rối.

Đặc biệt, khi bị tấn công, trẻ cần có các hành vi phản kháng tự vệ như dùng phần cứng trên cơ thể của mình (cánh tay, cùi chỏ, chân, đầu gối) huých, đạp mạng vào người đối phương, cắn, cào, cấu, giãy giụa để giảm ham muốn ở đối phương…

Tuy vậy, không phải trong trường hợp nào trẻ cũng có thể sử dụng vũ lực chống lại bởi những kẻ biến thái thường rất mạnh, hành độ phản kháng có thể khiến trẻ  gặp nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, trong hoàn cảnh này trẻ cần tìm cách báo động cho những người xung quanh biết.

Khi thang máy dừng lại và mở cửa ra, nếu không thoát ra được, trẻ cần tiếp tục la hét để thu hút sự chú ý của những người xung quanh, đồng thời khiến đối phương hoảng sợ, tạo cơ hội thoát thân.

"Nếu không thể đi cùng con trong thang máy,  cha mẹ nên dạy con nguyên tắc luôn nói không với những hành vi xấu của người lạ, tìm cách tháo chạy nhanh nhất và bình tĩnh kể lại với bố mẹ, người lớn về những sự việc xảy ra. Tuy vậy, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, phụ huynh cần quan tâm, để mắt đến con em mình, không nên chủ quan cho trẻ tự đi ở những nơi vắng vẻ, kẻo biến con mình trờ thành mồi ngon đối với những kẻ biến thái” - Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú đưa ra lời khuyên.