Vì sao tham nhũng vẫn “sống khỏe”?

ANTĐ - Kết quả cuộc điều tra 270 doanh nghiệp công bố 4-4-2012 cho thấy, tình trạng “phong bì cảm ơn và mời chiêu đãi” tại Việt Nam diễn ra khá phổ biến. Các doanh nghiệp cho rằng, kẽ hở pháp luật đang bị lợi dụng…
Vì sao tham nhũng vẫn “sống khỏe”? ảnh 1
Đẩy lùi tham nhũng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh (ảnh minh họa)

Chi phí không chính thức chiếm khoảng 1%

Theo báo cáo của của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ năm 2005-2011, Việt Nam luôn xếp ở nhóm cuối trong Bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng. Và một lần nữa, kết quả nghiên cứu lại công bố những con số đáng giật mình sau khi tiến hành khảo sát nhóm đối tượng doanh nghiệp - đối tượng vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Cụ thể, với việc cấp và phân bổ đất, có hơn 50% doanh nghiệp cho hay “Thủ tục để được cơ quan nhà nuớc cho thuê, giao đất, cấp đất rất phức tạp” và có tới 39,9% doanh nghiệp khẳng định “phải có mối quan hệ quen biết mới được giao đất, cấp đất”.  Trả lời cho câu hỏi “những hành vi hối lộ nào đang phổ biến, doanh nghiệp thường làm gì để bày tỏ lòng biết ơn đối với cán bộ xử lý các thủ tục liên quan đến đất đai, 86,8% doanh nghiệp cho biết biếu tiền là hình thức phổ biến; 48,8% mời chiêu đãi và hơn 30% biếu quà cơ quan công quyền.

Tương tự, với việc tiếp cận các khoản vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, có 30,5% doanh nghiệp có thể tiếp cận các khoản vay này của nhà nước với điều kiện “dành riêng một chi phí để bồi dưỡng cho cán bộ tín dụng”. Một tỷ lệ gấp đôi con số trên đồng ý rằng phải có mối quan hệ với ngân hàng hoặc cán bộ tín dụng mới vay được vốn. Đáng chú ý, doanh nghiệp cho biết có hiện tượng cán bộ giải quyết thủ tục chủ động gợi ý doanh nghiệp biếu quà.

Đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI cho biết, nếu chia trung bình, chi phí không chính thức đang chiếm khoảng 1% trên tổng số chi phí hàng năm của doanh nghiệp và khoản này chủ yếu dùng để quà cáp, biếu xén.

Đau đầu với cơ chế “xin-cho”

Đa số các doanh nghiệp trong diện khảo sát lần này nhận thức được tham nhũng sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp, bóp méo mô hình cạnh tranh và làm suy giảm lòng tin của doanh nghiệp vào nhà nước. “Doanh nghiệp phải tốn thời gian để nghĩ cách đối phó với cơ chế “xin-cho” - đại diện một doanh nghiệp chia sẻ. Biết rằng hành vi biếu xén quà và tiền là tiếp tay cho tham nhũng, nhưng doanh nghiệp không muốn mất thời gian trong quá trình làm thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, có một thực tế là chính doanh nghiệp không nắm vững được các trình tự thủ tục nên có thể làm mất nhiều thời gian của cán bộ công quyền. Thực tế này cũng đòi hỏi thủ tục hành chính phải được đơn giản hóa, minh bạch hơn nữa để mọi doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng, tiết kiệm thời gian, chi phí hơn.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, 87% doanh nghiệp thẳng thắn cho biết, chính kẽ hở về pháp luật đã tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển và kéo dài ở Việt Nam. Sâu xa hơn, cơ chế tiền lương, tiền công chưa phù hợp nên cán bộ các bộ máy công quyền hình thành thói quen “đói ăn vụng, túng làm liều”.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ, ông Trần Đức Lượng khẳng định: “Một trong những mục tiêu quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng là tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp…”. Theo ông Trần Đức Lượng, không chỉ các cơ quan Nhà nước mà chính các doanh nghiệp cũng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Phía doanh nghiệp cần xóa bỏ thói quen “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” và văn hoá kinh doanh dựa trên quan hệ không lành mạnh nhằm dẹp nạn tham nhũng, đồng thời phát triển doanh nghiệp một cách bình đẳng, cạnh tranh, bền vững.