Vì sao phải tăng giá điện?

ANTD.VN - Từ ngày mai (1-12), giá bán lẻ điện sẽ tăng thêm 6,08% so với giá bán lẻ hiện hành, lên mức 1.720,65 đồng/kWh.

Giá điện tăng sau hơn 2 năm giữ ổn định

Như vậy, sau hơn 2 năm giá bán lẻ điện duy trì ổn định (từ ngày 16-3-2015), giá điện sẽ tăng từ ngày mai (1-12-2017), lên mức 1.720,65 đồng/kWh.

Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh giá điện năm 2017 được quyết định dựa trên việc kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016. 

Theo đó, năm 2016, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 159,79 tỷ kWh; Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,57%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015 (7,94%).

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện được tính từ thu nhập thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỷ đồng.

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đồng/kWh. Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 203.000,73 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.270,38 đồng/kWh.

Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.167,27 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 101,18 đồng/kWh; Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 45.859,32 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 286,99 đồng/kWh.

Bên cạnh đó, tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.076,93 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,74 đồng/kWh. Ngoài ra, khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo là 142,91 tỷ đồng. 

Doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng/kWh). Do đó, nếu chỉ tính riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016, ngành điện lỗ 593,46 tỷ đồng.

Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh điện lỗ như trên, các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lại lãi 2.658,20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dẫn theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam), Bộ Công Thương cho biết vẫn còn một số khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016, chủ yếu là chênh lệch tỷ giá. 

Cụ thể, chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31-12-2016 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn như: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.352,25 tỷ đồng; Công ty mẹ- Tổng công ty phát điện 1 là 2.782,52 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 3 là 3.374,22 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31-12-2016 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của EVN: Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 714,26 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 386,70 tỷ đồng và Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại là 185,48 tỷ đồng.

Tổng số tiền do chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 là 7.012,91 tỷ đồng. 

Khoản lỗ này là một trong những căn cứ để điều chỉnh giá điện năm 2017, bên cạnh kết quả kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ và chi phí ước thực hiện năm 2017.