Vì sao phải lùi chương trình giáo dục phổ thông mới?

ANTD.VN - Ngày 3-10, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trước đó đã có nhiều lo ngại về sự vội vàng trong việc áp dụng chương trình này vào năm 2018.

Chương trình phổ thông mới chính thức lùi lại một năm so với dự kiến

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết, ông lo lắng nhất là động lực đổi mới trong mỗi giáo viên. “Các giáo viên đang làm một công việc rất quen thuộc, giờ phải thay đổi là thử thách rất lớn” - GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định.

Lo đổi mới giáo dục ảnh hưởng… dạy thêm

Đúng như lo ngại của GS Nguyễn Minh Thuyết về động lực đổi mới của đội ngũ giáo viên hiện nay, ông Tạ Quang Sum, nguyên Hiệu trưởng THPT Trần Hưng Đạo, Khánh Hòa khẳng định, đổi mới giáo dục gặp trở ngại lớn nhất chính từ giáo viên.

Lấy ví dụ từ “thất bại” của mô hình trường học mới VNEN, ông Tạ Quang Sum cho biết: “Rất nhiều giáo viên không thích đổi mới VNEN vì ảnh hưởng tới việc dạy thêm học thêm. Việc tổ chức tập huấn đổi mới không chính quy, đại khái chủ nghĩa lan rộng, không tạo ra ảnh hưởng gì mới bởi chính những con người cần phải đổi mới. Bộ có hình dung ra hết những ảnh hưởng này không?”.

Bà Hoàng Thị Tuyết, ĐH Mở TP.HCM phản ánh, sự sáng tạo, đổi mới của giáo viên đang bị “đè bẹp” bởi chính những người đồng nghiệp của mình. “Những em mới về trường và muốn sáng tạo bao giờ cũng bị tổn thương vì những người đồng nghiệp trong trường không chấp nhận sáng tạo. Sáng tạo luôn phải qua một quy trình, phải thông qua tổ trưởng, khối trưởng nên nhiều người chặc lưỡi: nhiêu khê quá, khỏi sáng tạo, cứ như cũ mà làm”.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức sang giao nhiệm vụ cho học sinh tự tìm hiểu vấn đề, trao đổi nhóm rồi lên lớp trao đổi với giáo viên sẽ khó hơn rất nhiều. Việc người học phải tự tìm hiểu chắc chắn nảy sinh nhiều thắc mắc nên sẽ khiến giáo viên vất vả hơn. Trong khi đó, yêu cầu về thu nhập, vấn đề dạy thêm, học thêm lại chi phối lớn đến công việc của giáo viên hiện nay.

Chưa chuẩn bị chu đáo 

Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, không thể triển khai kịp chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018-2019 sắp tới vì chưa chuẩn bị thấu đáo. 

Theo bà Ngô Thị Minh, ngành giáo dục cần tiến hành bài bản, không nên vừa làm vừa sửa sai. Ngoài trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa, cần có thời gian thỏa đáng để chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Qua các buổi đánh giá, giám sát của ủy ban cũng như các buổi đối thoại, làm việc với giáo viên, nhà trường cho thấy đa số giáo viên chưa thật sự sẵn sàng cho đổi mới. Thực tế, đội ngũ giáo viên hiện nay được đào tạo đơn môn nhưng tới đây lại dạy tích hợp liên môn, lồng ghép. Vì vậy, họ phải dạy như thế nào, ai là người hướng dẫn, đào tạo lại họ thực sự là câu hỏi không dễ trả lời.

Điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của các trường cũng được coi là rào cản lớn, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng lớp học đông như hiện nay sẽ rất khó tổ chức cho học sinh. Với chương trình mới, học sinh sẽ phải hoạt động nhóm nhiều hơn nhưng bàn ghế vẫn kê theo truyền thống hiện nay thì không được. Học sinh tiểu học nhiều nơi chỉ được học 1 buổi/ngày trong khi quy định tiểu học phải được học 2 buổi… Việc giảm sĩ số học sinh trong lớp học để đáp ứng yêu cầu chương trình mới sẽ kéo theo các vấn đề về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất lớp học…

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế nhấn mạnh khó khăn của tỉnh này khi cho biết, tỷ lệ trường học 2 buổi/ngày của tỉnh rất thấp, trường đạt chuẩn thấp, sân chơi, nhà học đa chức năng thiếu rất nhiều, thiết bị dạy học không đủ. 

“Nếu triển khai dạy học tự chọn theo chương trình phổ thông mới thì số phòng học tăng rất lớn. Cơ hội lựa chọn cho học sinh không có bao nhiêu vì thiếu điều kiện triển khai” - ông Phạm Văn Hùng phân tích. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính chưa đảm bảo, định mức chi cho giáo dục nhiều địa phương thấp, xã hội hóa lúng túng, cơ chế tự chủ chưa được triển khai trên thực tế… 

“Tất cả những vấn đề này đều khó có thể giải quyết ngay trong vài ba năm tới, đặc biệt tập trung vào các tỉnh miền Trung, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ… Bởi vậy, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc lấy đơn vị trường đủ điều kiện triển khai chương trình phổ thông mới trong năm học 2019-2020, trường chưa đủ điều kiện thì nên cho triển khai chậm hơn”, ông Phạm Văn Hùng nói.