Vì sao Pakistan trì hoãn việc mua máy bay tiêm kích “J-10” của Trung Quốc?

ANTĐ - Rất nhiều lý do được đưa ra nhằm trả lời cho câu hỏi vì sao đến nay Pakistan vẫn chưa chính thức quyết định thương vụ mua dòng máy bay tiêm kích “J-10” do Trung Quốc sản xuất. Theo giới quân sự phân tích, nguyên nhân chính ở đây là do Pakistan “sợ” J-10 kém chất lượng.

Tân Hoa Xã Trung Quốc ngày 21-10 dẫn nguồn tin từ tờ “Kanwa Defense Review” đưa tin, tướng ba sao thuộc lực lượng Lục quân, quân đội Pakistan, ông Marley đã có cuộc trả lời trước báo chí về “tin đồn” Pakistan có kế hoạch mua chiến đấu cơ “J-10” của Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm về một số nội dung liên quan đến cuộc tập trận không quân chung giữa quân đội hai nước hồi tháng 5 vừa qua.

Tướng Marley cho hay, phía Trung Quốc đã đưa dòng máy bay tiêm kích J-10 tham gia cuộc tập trận, tạo cơ hội tốt để quân đội Pakistan kiểm tra và nhìn nhận thực tế về dòng chiến đấu cơ này.

Ông Marley cho rằng, Trung Quốc và Pakistan có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, nếu Pakistan có nhu cầu mua dòng máy bay chiến đấu J-10 do Trung Quốc sản xuất, chắc chắn Bắc Kinh sẽ đồng ý.

Tuy nhiên, đến nay Pakistan vẫn chưa hề đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào về vấn đề này, với lý do J-10 là dòng máy bay chiến đấu thế hệ mới vẫn đang trong quá trình cải tiến phát triển, việc có mua J-10 hay không là một quyết định mang tính chiến lược đối với Pakistan.

Máy bay tiêm kích J-10 do Trung Quốc sản xuất

Kanwa Defense Review” cho rằng, về vấn đề đàm phán mua tiêm kích J-10, đã được hai bên tiến hành gần chục năm nay, tuy nhiên trở ngại lớn nhất trong thương vụ mua bán này chính là khả năng tài chính của Pakistan.

Tuy nhiên giới phân tích quân sự lại có nhận định khác, rằng đánh giá như vậy là chưa khách quan, bởi với một đối tác thân cận như Pakistan, thì nhân tố giá cả và phương thức thanh toán không hề là trở ngại đối hoạt động mua bán vũ khí quân sự giữa hai nước. Đồng thời cho rằng, trên thực tế việc Pakistan trì hoãn mua chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc nằm ở hai nguyên nhân sau:

Trước hết là do sự chọn lựa của Pakistan. Nhìn lại lịch sử mua bán vũ khí quân sự giữa hai nước cho thấy, Pakistan không phải là một “kẻ đói” phải chọn “ăn uống” tất cả mọi thứ, điển hình là thương vụ mua radar, do loại radar mà Trung Quốc sản xuất chất lượng kém, nên Pakistan đã quyết định từ bỏ, chuyển sang sử dụng radar “Snout” do Italy sản xuất.

Mặt khác, Pakistan đã hợp tác với Trung Quốc nghiên cứu thành công dòng máy bay chiến đấu Kiêu Long/ JF17, đây là dòng máy bay chiến đấu thuộc thế hệ thứ 3, có tính năng tương đồng với J-10A, chỉ cần cải tiến nâng cấp chút ít là đã sánh ngang với dòng J-10B.

Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc không trang bị loại máy bay này, mà thông qua hình thức hợp tác trên để thúc đẩy xuất khẩu, kiếm tiền. Nhưng cho đến nay, chưa có nước nào nhập khẩu loại máy bay này, mặc dù nó đã được chào hàng ở khắp nơi.

Máy bay Kiêu Long/ JF17- sản phẩm hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan

Như vậy, có thể thấy Pakistan đang rơi vào tâm lý không chắc chắn về công nghệ và sợ J-10 của Trung Quốc nhanh chóng bị “lỗi thời”, vì thế mà Pakistan đã không còn hứng thú với việc sở hữu loại chiến đấu cơ này. Có lẽ phải là J-11B hoặc J-16 mới khiến Pakistan quan tâm thực sự lúc này.

Hơn nữa, hiện nay Pakistan đang có ý quan tâm đến dòng máy bay thế hệ thứ 5 là J-20 mà Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu chế tạo, đặc biệt là dòng tiêm kích tàng hình J-31, phiên bản xuất khẩu. Tuy nhiên 2 loại chiến đấu cơ này đều chưa có quá trình hoạt động thử nghiệm đầy đủ, nếu đàm phán mua bán ngay bây giờ sẽ là điều quá sớm. 

Nguyên nhân tiếp theo khiến Pakistan trì hoãn việc mua J-10 của Trung Quốc chính là, vấn đề động cơ của loại máy bay này. Mặc dù hiện nay Trung Quốc đã có thể sản xuất hàng loạt động cơ WS10, tuy nhiên loại động cơ này không đáng tin cậy, đang phải đối mặt với rất nhiều nghi vấn. Đây cũng chính là vấn đề khiến không quân Pakistan băn khoăn nhất.