Vì sao ông Trầm Bê bị bắt?

ANTD.VN - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.

Ngày 1-8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã khởi tố và thực hiện quyết định bắt tạm giam ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank. Ông Trầm Bê bị khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng.

Ngoài ông Trầm Bê, C46 cũng khởi tố đối với ông Phan Huy Khang (SN 1973) - nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank. 

Cả hai cùng bị khởi tố bắt tạm giam vì hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 Bộ luật Hình sự.

Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). 

Bị can Phan Huy Khang, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, liên quan tới vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Tiên Phong Bank; Sacombank; BIDV và Ngân hàng Xây dựng; căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 31/7/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự và ra Lệnh bắt tạm giam đối với 16 bị can, trong đó có 2 đối tượng trên.

Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank

Ông Trầm Bê sinh ngày 10 tháng 9 năm 1959 tại Trà Vinh, là người Việt gốc Hoa. Cái tên Trầm Bê thực sự chỉ được nghe nhắc nhiều qua sự kiện nổi đình nổi đám trong năm 2011: các ngân hàng thâu tóm Sacombank. 

Vị đại gia này từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn; thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI).

Ngoài ra, ông Trầm Bê còn cùng với 3 người con tham gia Hội đồng quản trị của một số doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Phương Nam, Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam, Công ty Chứng khoán Phương Nam và Ngân hàng Sacombank.

Ông Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp với cương vị Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (1991- 1994) và sau đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty (1995-2001).

Sau 10 năm tích lũy tài chính cũng như kinh nghiệm từ sản xuất kinh doanh và chế biến lâm sản, ông tham gia thị trường bất động sản bằng việc đầu tư vào BCCI với vai trò là thành viên Hội đồng Quản trị (1999). BCCI đã không ngừng ăn nên làm ra.

Sau khi đầu tư vào BCCI, cơ sở hạ tầng là đích đến đầu tiên mà đại gia Trầm Bê nhắm tới với việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Triều An.

Thâm nhập thị trường tài chính, Trầm Bê đã tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phương Nam - PNB vào năm 2004. Từ vị trí là thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phương Nam, Trầm Bê tiếp tục đưa con gái của mình là Trầm Thuyết Kiều vào giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Đến năm 2011, ông Trầm Bê thành lập Công ty Chứng khoán Phương Nam - PNS, con trai út 24 tuổi Trầm Khải Hòa - nhận chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty này.

Vào đầu tháng 2/2012, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết đã có ủy quyền bằng văn bản đại diện cho nhóm cổ đông đa số (trên 51% cổ phần biểu quyết, bao gồm cả ông Trầm Bê), yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo của Sacombank. Gần như toàn bộ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Sacombank đã thay đổi, trong đó có sự góp mặt của ông Trầm Bê, với chức vụ mới là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank sau khi ông rời khỏi ghế Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Nam. 

Ngày 1-10-2015, PNB và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật. Ông Trầm Bê và các tổ chức, cá nhân liên quan đã thực hiện ủy quyền quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) tại PNB/Sacombank/Sacombank sau sáp nhập cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước.

Đến chiều 24-2-2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa (con trai ông Trầm Bê) tại Ngân hàng Sacombank.