Vì sao Nhật sợ máy bay tuần tiễu chống ngầm Il-38 của Nga?

ANTĐ - Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, lực lượng tự vệ trên không (không quân) nước này vừa tung máy bay chiến đấu lên giám sát hoạt động của máy bay trinh sát chống ngầm tiên tiến Il-38 của Nga.

Ngày 31-03, máy bay chiến đấu của lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản đã thực hiện một phi vụ cất cánh khẩn cấp, nhằm ngăn chặn hai máy bay quân sự của Nga tiếp cận không phận của quốc đảo từ phía vùng biển Nhật Bản.

Theo các nhà chức trách, hai máy bay tuần tiễu chống ngầm Il-38 của Nga đã bị lực lượng tự vệ trên không nước này phát hiện giữa đảo Oka và hòn đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là Takeshima/Dokdo.

Ban đầu, 2 chiếc Il-38 này bay đến đến phía đông của bán đảo Triều Tiên, sau đó bay tới phía bắc, dọc theo bờ biển phía tây của quần đảo Nhật Bản. Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Nhật cũng thừa nhận chúng không vi phạm không phận của nước này.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các máy bay trinh sát và tuần tra hàng hải của Nga thường xuyên có những chuyến bay áp sát không phận của họ. Trong tuần qua, các loại máy bay Nga đã thực hiện bốn chuyến bay trên tuyến đường này.

Theo thống kê của Bộ quốc phòng Nhật, các máy bay tuần tra hàng hải Il-38 và Tu-142 xuất hiện trên không phận giáp lãnh hải của Nhật là thường xuyên nhất, kế tiếp là các máy bay ném bom Tu-95MS, máy bay chiến đấu S-27 và một số loại máy bay khác. Trong đó, Il-38 khiến người Nhật lo ngại nhất.

Máy bay tuần tiễu chống ngầm Il-38N của Nga

Hiện Nga đang sử dụng phiên bản mới nhất Ilyushin Il-38N có khả năng trinh sát, phát hiện tàu ngầm rất tốt. Nó được trang bị các hệ thống thiết bị thủy âm, theo dõi, giám sát mục tiêu thế hệ mới, có thể tháo lắp dễ dàng, tính năng không kém các thiết bị cùng loại của phương Tây cả về năng lực cũng như tầm hoạt động.

Dòng máy bay mới này được trang bị hệ thống radar Novella - một biến thể của hệ thống Sea Dragon đã được trang bị trên 5 chiếc máy bay Il-38 đang được biên chế cho Hải quân Ấn Độ trong thập niên qua, giúp nó có khả năng phát hiện được các mục tiêu từ khoảng cách lên đến 320 km, bao gồm các mục tiêu tàu ngầm, tàu nổi và máy bay của đối phương.

Hệ thống radar Novella bao gồm một máy ảnh nhiệt có độ phân giải cao và một bộ cảm biến để phát hiện các mục tiêu có từ tính, cùng với các bộ cảm biến khác cho phép máy bay định vị tàu ngầm và các mục tiêu trên mặt biển, cũng như tiến hành nghiên cứu khoa học.

Thời gian trước đây, trùng với thời điểm máy bay trinh sát chống ngầm P-3C Orion của Nhật phát hiện hàng loạt vụ tàu ngầm Trung Quốc áp sát lãnh hải nước mình, các máy bay Il-38N của Nga cũng liên tục xuất hiện gần lãnh hải nước này, chứng tỏ Nga cũng đã phát hiện các dấu hiệu có tàu ngầm hoạt động.

Ngoài ra, phiên bản máy bay săn ngầm Il-38N mới này còn được trang bị các thiết bị điện tử tiên tiến nhất mà Nga mới nghiên cứu, chế tạo ra, có thể đảm nhận cả chức năng tiến hành trinh sát và tác chiến điện tử.

Tuy nhiên, điều Nhật lo ngại nhất là chúng còn có chức năng trinh sát, đo đạc và vẽ bản đồ các khu vực biển, ví dụ như Nga đã sử dụng nó để vẽ lại bản đồ Bắc Băng Dương. Vì thế, Tokyo lo ngại phương tiện trinh sát tiên tiến này của Nga sẽ do thám, đo đạc và vẽ bản đồ các căn cứ quân sự của mình và của Mỹ.