Trẻ hóa cấp ủy: Không thể là “nhiệm vụ bất khả thi” (2)

Vì sao người trẻ khó vào cấp ủy?

ANTD.VN - Có rất nhiều nguyên nhân khiến người trẻ khó vào cấp ủy nhưng có lẽ “rào cản” khó nhất mà họ phải vượt qua là khi bầu cử ở đại hội. Có nhiệt huyết, hoài bão của tuổi trẻ nhưng người trẻ lại dễ bị đánh giá là còn non kinh nghiệm - yếu tố quan trọng khi là thành viên cấp ủy.

Vì sao người trẻ khó vào cấp ủy? ảnh 1Hà Nội luôn quan tâm, tạo điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ, công chức trẻ (Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao quyết định điều động đồng chí Phạm Quang Thanh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội về công tác tại Huyện ủy Sóc Sơn, giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy)

“Điểm nghẽn” kinh nghiệm

Khi so sánh với thế hệ đi trước trong mỗi dịp bầu cử, điểm yếu cố hữu của lớp cán bộ trẻ thường được nêu ra là “thiếu kinh nghiệm”. Theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mê Linh (Hà Nội) Lỗ Xuân Hòa, người trẻ làm việc nhiệt huyết hơn, sức khỏe tốt hơn, cống hiến mạnh mẽ hơn nhưng kinh nghiệm thực tế thì khó so sánh với người có thời gian công tác lâu năm. 

Kể về trường hợp của bản thân, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết, ở huyện Chương Mỹ, ông là trường hợp đầu tiên được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Huyện ủy khi mới 35 tuổi. Trước đó, vị trí này chỉ được xem xét đối với những cán bộ đã có kinh nghiệm, thường phải ở độ tuổi 45. “Nếu so sánh với khối chính quyền, Chánh Văn phòng UBND huyện khi đó hơn tôi tới 21 tuổi. Với một cán bộ trẻ như tôi khi đó, những trăn trở khi nhận nhiệm vụ là có. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào khẳng định bản thân để có thể thay đổi tư duy của mọi người trong việc sử dụng cán bộ trẻ”, đồng chí Trịnh Tiến Tường nói.

Chia sẻ với chúng tôi về quá trình phấn đấu sau khi trở thành Bí thư Đảng ủy phường trẻ nhất của quận Hà Đông, Bí thư Đảng ủy phường Yết Kiêu (quận Hà Đông, Hà Nội) Nguyễn Thị Nhã cho biết, thế hệ trẻ nói chung, cán bộ cấp ủy trẻ nói riêng, ngày nay có lợi thế được trang bị kỹ năng, kiến thức khá toàn diện để đáp ứng được xu thế phát triển của thời đại mới. Song điều quan trọng là bản thân người cán bộ trẻ phải cố gắng rèn luyện bản lĩnh và sự khiêm tốn; dám nghĩ dám làm nhưng cũng phải có tinh thần cầu thị và thực sự tâm huyết. 

“Là cán bộ trẻ, đừng xác định đi cơ sở để làm lãnh đạo mà phải coi đó là cơ hội để rèn luyện và phát triển, phải dấn thân để trưởng thành hơn” - đồng chí Nguyễn Thị Nhã nói.

Phải đổi mới tư duy, mạnh dạn giao việc khó

Bàn về điểm nghẽn trong việc trẻ hóa cấp ủy, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định, những nhiệm kỳ gần đây, Đảng rất quan tâm đến bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, tuy nhiên, tại nhiều kỳ đại hội, tiêu chí này đều không đạt yêu cầu. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau nhưng theo đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh, chủ yếu có 3 nguyên nhân. Một là, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch còn hạn chế. Một số địa phương còn chưa quan tâm thực sự công tác trẻ hóa cấp ủy. Quy hoạch cán bộ tuy có nhưng chỉ mang tính hình thức hoặc không đủ chất lượng nên khi bổ nhiệm, bầu cử, cán bộ trẻ thường “rớt” vì không đủ tín nhiệm. Ở không ít cơ quan, đơn vị, có tình trạng thiếu chủ động tạo nguồn, quy hoạch và đào tạo cán bộ trẻ, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cấp ủy viên, không sao tìm ra được người trẻ để đưa vào đội ngũ.

Hai là, tình trạng níu kéo, dàn hàng ngang cùng tiến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đương chức. Ba là, đội ngũ cán bộ trẻ chưa nỗ lực vươn lên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một bộ phận cán bộ trẻ tự bằng lòng với hiện tại, mai một tinh thần phấn đấu vươn lên, thiếu hăng hái, xung kích, và tất nhiên, cũng không loại trừ tình trạng “tham quyền cố vị” ở một số vị trí lãnh đạo, dẫn đến cơ hội cho người trẻ đã ít lại càng khó khăn hơn.

Ghi nhận trong quá trình công tác, có những cán bộ còn tư tưởng “tham quyền cố vị”, làm giảm đi cơ hội phấn đấu của người trẻ, đồng chí Lỗ Xuân Hòa nói: “Ở đâu đó hoặc ở mức độ nào đó là có. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, Thành ủy Hà Nội đã có tiêu chí đánh giá cán bộ, ngăn ngừa biểu hiện cục bộ, tư duy vùng miền nên dần tạo chuyển biến tốt trong tư tưởng của cán bộ. Tình trạng “tham quyền cố vị” cũng giảm đi nhiều. Nếu cán bộ trẻ có thực lực, làm việc tốt thì người ta vẫn đánh giá tốt”. Thực tế này được chứng minh ở nhiều quận, huyện của Hà Nội. Tại huyện Chương Mỹ, nhờ những thay đổi trong tư duy về công tác cán bộ, năm 2015, 27 cán bộ (có cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện) không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, đã xin nghỉ hưu sớm để nhường chỗ cho cán bộ trẻ hơn. Hiện nay, huyện Chương Mỹ có 4 Bí thư Đảng ủy và 3 Trưởng phòng, ban, ngành dưới 40 tuổi. Nhìn vào số lượng này có thể thấy, huyện có thể sẽ hoàn thành tốt yêu cầu về tỷ lệ cấp ủy viên trẻ trong kỳ đại hội tới đây.

Rất quan tâm đến vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, hiện nay, các cơ cấu, chỉ tiêu về công tác cán bộ như cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có chuyên môn… của thành phố đều chưa đạt yêu cầu. Đây là vấn đề mà thành phố cần đặc biệt lưu ý trong công tác chuẩn bị nhân sự đại hội nhiệm kỳ tới. 

“Chúng ta đã có kinh nghiệm xương máu về tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ, vừa rồi phải xử lý một số trường hợp là rất đau đớn. Vì thế, công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp tới đây, các đồng chí Bí thư Quận, Huyện, Thị ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ phải chịu trách nhiệm trước thành phố về vấn đề này. Yêu cầu chung là phải rà soát thật kỹ. Là Đảng bộ Thủ đô, không thể nói chúng ta thiếu cán bộ, không có cán bộ nên không thể bố trí và đảm bảo đủ tỷ lệ, cơ cấu, tiêu chí được” - Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh. 

Trước đó, cuối tháng 6-2019, tại buổi gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội với đoàn viên, thanh thiếu niên Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, các cấp ủy đảng phải đổi mới tư duy, mạnh dạn trao những nhiệm vụ khó để tạo điều kiện cho lớp trẻ cống hiến. Cùng đó, cần quan tâm, tạo điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ, công chức trẻ…

“Cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới; Đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài”.

Trích Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

(Còn tiếp)