Vì sao người dân xứ Catalonia quyết "dứt áo" ra đi?

ANTD.VN - Dù chính quyền Trung ương quyết liệt ngăn cản song hàng triệu người dân xứ Catalonia vẫn tới các điểm bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu về vấn đề độc lập của vùng đất hiện đang hưởng quy chế tự trị này.

Vì sao người dân xứ Catalonia quyết "dứt áo" ra đi? ảnh 1Nhiều người dân Catalonia muốn tách khỏi Tây Ban Nha

Chính quyền vùng Catalonia ngày 2-10 thông báo khoảng 2,26 triệu người dân ở đây đã đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu ý dân về việc tách khỏi Tây Ban Nha diễn ra ngày 1-10, trong đó có khoảng 90% người tham gia bỏ phiếu đã ủng hộ việc “dứt áo” với Tây Ban Nha. Tuy nhiên, số người tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý do chính quyền vùng Catalonia tổ chức này chỉ chiếm chưa tới 1/2 tổng số 5,34 triệu cử tri ở đây. 

Cuộc bỏ phiếu “tự phát” trên diễn ra trong sự ngăn cản quyết liệt của chính quyền Trung ương Tây Ban Nha khi tiến hành đóng cửa nhiều điểm bỏ phiếu, ngăn cản và trấn áp những người dân Catalonia đi bỏ phiếu khiến hơn 800 người bị thương. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy trong phát biểu trên truyền hình ngày 1-10 khẳng định rằng không hề có cuộc bỏ phiếu về vấn đề độc lập cho Catalonia và vì thế bất kỳ kết quả nào về vấn đề này đều không có giá trị.

Thế nhưng, Người phát ngôn chính quyền vùng Catalonia Jordi Turull ngày 2-10 vẫn tuyên bố Nghị viện Catalonia sẽ quyết định về tuyên bố độc lập sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 1-10. Trong khi đó, lãnh đạo vùng Catalonia Carles Puigdemont cho biết, kết quả của cuộc bỏ phiếu về độc lập nói trên sẽ được chuyển cho Nghị viện Catalunya để tiến hành thêm các thủ tục phù hợp với Luật Trưng cầu dân ý. 

Hiện chưa rõ cuộc bỏ phiếu về vấn đề độc lập cho Catalonia sẽ diễn biến tiếp theo thế nào, song rõ ràng nó khiến Tây Ban Nha đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng chính trị và Hiến pháp. Trước đó, xứ Catalonia từng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mang tính biểu tượng vào năm 2014, trong đó 80% cử tri tham gia đã ủng hộ ly khai hoàn toàn khỏi Tây Ban Nha, nhưng cuộc bỏ phiếu ngày 1-10, theo những người tổ chức tại Catalonia, mang tính ràng buộc pháp lý với Catalonia.

Suốt hơn 300 năm qua kể từ khi vua Philip V của Tây Ban Nha chiếm vùng đất ở phía Đông Bắc Tây Ban Nha, vấn đề độc lập nhiều lần được đặt ra với khu vực hiện có số dân 7,5 triệu người với văn hóa và ngôn ngữ riêng. Những tiếng nói muốn tách khỏi Tây Ban Nha ngày càng nhiều hơn khi kinh tế Catalonia phát triển vượt trội so với mặt bằng chung của nền kinh tế Tây Ban Nha. Catalonia là khu vực giàu có với mức độ công nghiệp hóa cao nhất ở Tây Ban Nha với các ngành công nghiệp nổi trội như luyện kim, chế biến thực phẩm, dược phẩm, hóa học… và đang phát triển bùng nổ về du lịch.

Dù chỉ chiếm 16% số dân của Tây Ban Nha nhưng Catalonia đóng góp tới 25,6% kim ngạch xuất khẩu, 19% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 20,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài. Trong nhiều năm gần đây, phe ủng hộ độc lập cho rằng người dân Catalonia phải đóng góp quá nhiều tiền thuế cho chính quyền Trung ương, trong khi tỷ lệ chi tiêu ngân sách của vùng này lại không tương xứng.

Thế nhưng, do việc bỏ phiếu trưng dầu dân ý về vấn đề độc lập của Catalonia ngày 1-10 là vi hiến chiểu theo Hiến pháp hiện hành của Tây Ban Nha nên kết quả 90% số người ủng hộ độc lập là không có giá trị. Không chỉ chính quyền Trung ương Tây Ban Nha mà Liên minh châu Âu (EU) cũng không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 1-10 với lý do người dân của một nước thành viên EU phải tuân thủ luật pháp và Hiến pháp nước đó, dù có thích hay không, đó là nguyên tắc pháp trị. Do vậy, muốn “dứt áo” nhưng Catalonia chắc chắn vẫn sẽ là một vùng đất thuộc Tây Ban Nha.