Vì sao người dân thờ ơ với hầm bộ hành?
(ANTĐ) - Từ 31-7, hệ thống đường hầm dành cho người đi bộ và người đi xe đạp tại nút giao thông Ngã Tư Sở đã được đưa vào sử dụng, nhưng nhiều người vẫn băng qua mặt đường...
Đâu là nguyên nhân?
Sáng 3-8, để tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi đã đi vào trong đường hầm theo hướng từ đường Trường Chinh sang đường Láng. Điều đáng ngạc nhiên là tại một số cửa hầm sâu hun hút, chúng tôi không nhìn thấy biển chỉ dẫn cũng như bóng dáng của nhân viên bảo vệ.
E ngại trước cảnh tượng này, một số người dân qua đường đi cùng chúng tôi vội vã quay ra. Đi sâu vào khoảng 50 mét, chúng tôi gặp 2 nhân viên bảo vệ đang ngồi tán gẫu khá vui vẻ! Trong đường hầm, người đi lại thưa thớt.
Khi đi đến đoạn đường ra hướng đường Tây Sơn, chúng tôi thấy không một bóng điện nào được bật, không có chút ánh sáng nào! Người đi đường phải bám vào thành hầm, bước dò dẫm từng bước. Một số cháu bé khi đi đến đoạn hầm này đã khóc thét, nằng nặc đòi quay lại.
Ngổn ngang những đống đất, đá khu vực cửa đường hầm |
Tại cửa hầm phía đường Láng, nhiều người đã tranh thủ mang xe máy xuống hầm dựng… cho mát! Một số thanh niên ngồi vắt vẻo ở lối vào hầm tránh nắng. Có hàng nước còn tranh thủ sử dụng cột chống mái hầm để…treo biển quảng cáo… “sữa chua, mía đá”!
Bên ngoài các cửa hầm ngổn ngang những đống đất, đá, phế thải xây dựng. Tại cửa hầm đường Trường Chinh chúng tôi còn thấy một chiếc ôtô 7 chỗ đỗ chắn cửa hầm.
Khi được hỏi về nguyên nhân chọn cách băng qua đường mà không đi qua đường hầm, ông Vũ Xuân Hiển ở thành phố Hà Đông cho biết: “Để an toàn, tôi đã đi xuống hầm, nhưng qua 3 lần đi với hơn nửa giờ đồng hồ vẫn không đến được chỗ cần đến.
Tại các cửa hầm, lối xuống không có biển chỉ dẫn, cũng không có ai để hỏi nên tôi không biết đi đường nào. Có những đoạn không có đèn, đường tối om nên tôi không dám đi qua. Nói dại, nhỡ có chuyện không hay thì... Đến nước này, tôi phải chọn cách đi bộ tắt qua ngã tư, tuy có nguy hiểm nhưng vừa nhanh lại vừa tiện”…
Có mặt tại khu vực này trong 2 giờ đồng hồ, chúng tôi thống kê được chỉ có khoảng 20% người dân đi bộ xuống đường hầm. Số còn lại vẫn băng qua đường, bất chấp những làn xe lao vun vút và nguy hiểm luôn rình rập…
Biển chỉ dẫn: Chỗ có, chỗ không?!
Người đi bộ bất chấp nguy hiểm vẫn băng qua đường |
Được biết, hệ thống đường hầm đi bộ Ngã Tư Sở được xây dựng với mục đích đảm bảo an toàn cho người đi bộ, người tàn tật khi đi qua nút giao thông này. Tổng chiều dài của đường hầm là 462m, rộng 7,5m gồm 12 cửa lên xuống tại 4 góc đường Tây Sơn – Láng, Láng - Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi - Trường Chinh, Trường Chinh - Tây Sơn với tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Võ – Chủ nhiệm công trình dự án xây dựng và cải tạo nút giao thông Ngã Tư Sở - Ban QLDA các công trình trọng điểm Hà Nội cho biết: “Phản ánh của người dân là có cơ sở, vì hiện nay tại hầm đường bộ, chỉ có lối xuống có biển chỉ dẫn còn lối lên không có. Về việc này chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu điều chỉnh lại vị trí đặt biển cho phù hợp. Về cơ bản, hệ thống đường hầm đã được bàn giao cho Công ty Công trình giao thông 3 quản lý, các hạng mục còn lại chúng tôi đang cùng với Nhà thầu Sumitomo -Vinaconex hoàn chỉnh nốt để bàn giao cho Sở GTCC".
Về thông tin liên quan đến một số đoạn trong đường hầm đèn chiếu sáng không hoạt động, ông Võ cho biết sẽ kiểm tra lại và có biện pháp khắc phục ngay. Hiện nay ở mỗi cửa đường hầm đều đã bố trí bảo vệ để hướng dẫn, theo dõi việc đi lại của người dân…
Để hầm đường bộ Ngã Tư Sở hoạt động có hiệu quả theo đúng mục đích đặt ra là đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đề nghị cơ quan quản lý sớm kiểm tra và cho khắc phục ngay những tồn tại nêu trên.
Anh - Hân