Vì sao ngày càng nhiều tù nhân Australia cải sang đạo Hồi?

ANTD.VN - Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên khi hàng chục tù nhân ở nhà tù Supermax ở Goulburn, Tây Nam Sydney, Australia làm lễ hướng về Thánh địa Mecca. Tại sao như vậy và điều này tiềm ẩn nguy cơ gì không? Hãy nghe một số chuyên gia nước này lý giải.

Michael Kennedy, một thanh tra cảnh sát trong 20 năm là người hiểu khá rõ việc này. Kể từ khi rời đơn vị chống tội phạm có tổ chức ở New South Wales, ông đã trở thành một học giả tại Đại học Western Sydney chuyên nghiên cứu Hồi giáo và trại giam, hai khái niệm tưởng chừng không mấy liên quan. Trong sự nghiệp của mình, ông Kennedy đã gặp nhiều tội phạm và giờ đây ông liên hệ lại với họ bằng hình thức trao đổi thư từ. Những bức thư đã cho ông một cái nhìn thấu đáo hơn về vấn đề tôn giáo trong nhà tù.

“Bạn đang bị cô lập với tất cả những người mà bạn biết trong cuộc sống. Bạn cần kết nối với ai đó”, nhà nghiên cứu Kennedy lý giải nguyên nhân thúc đẩy các tù nhân tìm đến tôn giáo. “Tôi nghĩ điều đó giúp họ có chút hy vọng, có ảnh hưởng tích cực khi mở ra con đường để tù nhân hồi tâm chuyển ý, tránh xa ma túy và rượu. Đó không phải là một cơ chế ứng phó tồi, cho dù còn gây tranh cãi”.

Vì sao ngày càng nhiều tù nhân Australia cải sang đạo Hồi? ảnh 1Việc cải đạo sang đạo Hồi ngày càng phổ biến trong các nhà tù ở Australia

Tìm đến tôn giáo vì... ân hận

Hiện không có con số thống kê về những tù nhân cải đạo nhưng thông tin đáng tin cậy nhất từ một cuộc điều tra dân số trong tù nhân ở New South Wales từ năm 2013 cho thấy, tín đồ Hồi giáo ở đây chiếm 9,3%, gấp gần 3 lần tỷ lệ 3,2% của dân số tiểu bang này.

Robbie Maestracci, một thành viên Hội đồng Hồi giáo Queensland hàng tuần vẫn đến thăm các tù nhân ở Brisbane cũng công nhận xu hướng đang gia tăng này. “Ít nhất cứ 2 tuần, danh sách của chúng tôi lại cập nhật một tên mới là tín đồ đạo Hồi”, ông Maestracci nói. Ông nói trong tù không có áp lực về xã hội và tài chính nên khuyến khích con người ta suy nghĩ về bản thân nhiều hơn. “Khi những người đàn ông này buộc phải xem xét lại hành động của họ, tôi nghĩ rằng họ có nhiều điều hối tiếc và hối hận. Và trong quá trình đó, tôi đoán, họ bắt đầu tìm kiếm sự tha thứ từ mọi người và đấng tối cao”. 

Qua trò chuyện, ông Maestracci đã nỗ lực giúp các tù nhân hiểu ra rằng họ có thể tìm được việc làm, sống một cuộc sống bình thường, thoát ra khỏi rắc rối và tránh xa nhà tù. Ông Maestracci không cảm thấy lo lắng về sự cực đoan hóa của các tù nhân Hồi giáo và cho rằng nỗi lo này “chủ yếu bị thổi phồng”. “Mối lo của chúng tôi với những người anh em bên trong nhà tù, dựa trên việc tiếp xúc thường xuyên của tôi với họ là họ trở nên cực đoan hoặc sử dụng tôn giáo một cách sai lầm”.

Sự cực đoan hóa do nhiều yếu tố

Trong 10 năm qua, Clarke  Jones - nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia đã khảo sát nghiên cứu về tù nhân ở 2 nhà tù thuộc Indonesia cùng một số trại giam khác ở 9 quốc gia Đông Nam Á. Cuốn sách mà ông công bố cho thấy, sự biến đổi và cực đoan hóa gia tăng ở những nhà tù có điều kiện khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, tù nhân càng sùng đạo thì họ càng ít có khả năng cực đoan hoặc mắc sai phạm trong thời gian cải tạo. 

Tôn giáo không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến sự cực đoan hóa. Chuyên gia Clarke Jones khẳng định, các yếu tố khác bao gồm đặc điểm của môi trường trại giam, văn hóa tù nhân, rào cản xã hội và nhu cầu cơ bản về sự sống còn. “Tôi chắc chắn rằng, nhìn vào những gì đã xảy ra ở Philippines và các quốc gia khác trên thế giới, có thể nói, điều kiện càng ngặt nghèo và thù địch thì tù nhân càng có khả năng trở nên cực đoan”.

Thực tế, chưa có ví dụ cụ thể nào cho thấy một người Australia bị cực đoan hóa trong tù và khi ra tù mở cuộc tấn công khủng bố. “Nhưng thật nguy hiểm khi nói rằng sự cực đoan hóa không xảy ra”, ông Jones cảnh báo.

Chính quyền bang New South Wales đang đầu tư khoảng 47 triệu USD trong 3 năm để chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong các nhà tù của họ. Số tiền dùng để giải ngân cho các chương trình “chăm sóc” các tù nhân được xác định là có nguy cơ bị cực đoan hóa.