Vì sao Nga - Trung lặn lội đến tận Địa Trung Hải tập trận?

ANTĐ - Dựa vào địa thế của Địa Trung Hải và tình hình thế giới, có thể thấy rằng cuộc tập trận Nga-Trung là có chủ đích và đã được tính toán kĩ lưỡng.

Được bắt đầu vào tuần tới, cuộc diễn tập này là lần đầu tiên Trung Quốc và Nga thực hiện tập trận tại Địa Trung Hải.

“Mục đích của cuộc tập trận này là làm sâu đậm hơn quan hệ hợp tác giữa 2 đất nước và tăng cường khả năng hải quân nhằm đối phó với các mối đe doạ an ninh. Những bài diễn tập kiểu này không nhằm vào bất kì một bên thứ 3 nào, cũng không liên quan đến tình hình hiện tại trong khu vực”, đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc Geng Yansheng cho biết.

Đây là lần đầu tiên Nga - Trung tập trận cùng nhau tại Đại Trung HảiTuy nhiên những cuộc tập trận không bao giờ đơn giản như những gì các lãnh đạo nói mà thường là một dấu hiệu cho vấn đề gì đó. Ví dụ như tập trận Mỹ - Hàn Quốc và Mỹ-Philippines ở biển Đông đều nhằm tới Trung Quốc do những tranh chấp biển đảo của nước này trong khu vực, hay tập trận Mỹ - Hàn Quốc là để nhằm vào Triều Tiên.

Trong trường hợp này, mục tiêu của bài tập trận đương nhiên sẽ là Mỹ, nước mà Trung Quốc luôn cảm thấy rằng ảnh hưởng tới các hoạt động mở rộng quân sự của mình. Mỹ cũng đang là nước dẫn đầu trong các chính sách trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga do việc sáp nhập bán đảo Crimea và các sự kiện ở Ukraine. 

Tổng cộng 9 tàu chiến từ 2 nước sẽ tham gia cuộc tập trận này, bao gồm cả các thuyền Trung Quốc đang tuần tra chống cướp biển ngoài khơi Somalia.Ngoài việc tần suất tập trận của Trung Quốc và Nga đang tăng nhanh trong những năm gần đây, cuộc tập trận ở Địa Trung Hải này còn được tuyên bố vào lúc Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe có chuyến thăm Washington và công bố đường lối hợp tác quân sự mới với Mỹ. Do đó, sẽ không có gì là bất ngờ khi Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc tập trận khác ở Biển Nhật Bản vào cuối năm nay khi Bắc Kinh kỉ niệm 70 năm phát-xít Nhật đầu hàng trong Thế chiến II.

Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực

Theo Sina Military Network, có 4 lí do Nga-Trung tiến hành tập trận hải quân chung ở Địa Trung Hải.
Thứ nhất, Nga và Trung Quốc đều muốn có một sự hợp tác chiến lược toàn diện sâu đậm hơn. Hiện tại quan hệ 2 nước có sự năng động hơn so với kiểu đồng minh truyền thống, với việc cả Moscow và Bắc Kinh đều không quan tâm đến thứ bậc. Sự hợp tác này khác với kiểu đồng minh giữa Mỹ và các nước khác do Washington luôn được coi là nắm quyền kiểm soát, trong khi đó, Moscow và Bắc Kinh đều coi nhau là bình đẳng, chí ít là ở thời điểm hiện tại.

Thứ hai, Nga đang muốn có một sự hiện diện lớn hơn ở khu vực Địa Trung Hải và cho các nước khác thấy được mối quan hệ hợp tác đặc biệt với Trung Quốc.

Ngoài ra, Nga muốn mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực qua việc liên kết với Trung Quốc. Việc Nga-Trung xuất hiện ở Địa Trung Hải được nhìn nhận như thông điệp tuyên bố với EU và các quốc gia Trung Đông rằng Moscow không từ bỏ 2 khu vực này ngay cả khi đang gặp phải vấn đề bởi cuộc khủng hoảng Ukraine.

Thứ ba, Trung Quốc muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông và Bắc Phi cũng như muốn chứng minh khả năng bảo vệ an ninh của các đoạn đường thương mại hàng hải.

Điều này là dễ hiểu do Trung Quốc hiện nay là một trong những đối tác nhập khẩu nhiều dầu mỏ nhất ở Trung Đông, Bắc Phi, cũng như liên tục tăng cường sản lượng xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu. Địa Trung Hải kết nối của ba khu vực quan trọng kể trên và đây sẽ là một địa điểm thích hợp để Trung Quốc thể hiện sức mạnh của mình.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng chưa từng phô diễn "cơ bắp" ở vùng Địa Trung Hải nên đây sẽ là cơ hội để hải quân nước này tăng cường thêm kinh nghiệm chiến đấu.

Cuối cùng, Trung Quốc và Nga cùng tập trận sẽ là một tín hiệu cho châu Âu về việc Bắc Kinh muốn hợp tác nhiều hơn với các nước trong lục địa này. Trung Quốc không hề bị nước châu Âu nào thù địch và quyết định diễn tập quân sự cùng Nga, có thể cho thấy Bắc Kinh đang đứng về phía Moscow.

Trung Quốc có tham vọng một vài đai kinh tế trên biển và đất liền

Tuy nhiên, đây không phải để đối đầu mà là trung hoà, hàn gắn lại mối quan hệ Nga – EU để tiến tới thuyết phục cả 2 lập nên vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên biển và trên đất liền, từ đó phát triển kinh tế đa quốc gia ở lục địa Á-Âu.