Vì sao Nga khẳng định việc F-35I xâm nhập Iran chỉ là bịa đặt?

ANTD.VN - Căn cứ vào tầm bay của chiếc F-35I Adir, không phải ngẫu nhiên mà cả Moskva lẫn Tehran ban đầu đều khẳng định rằng tuyên bố của Không quân Israel về việc họ đã xâm nhập bầu trời Iran là bịa đặt.

Vào tháng 3 vừa qua, hãng thông tấn Kuwait dẫn nguồn tin từ Không quân Israel cho biết tiêm kích F-35I Adir của họ đã vượt qua không phận 2 quốc gia là Syria và Iraq rồi tiến vào bầu trời Iran, quần thảo trên các cơ sở hạt nhân của nước này mà không hề bị phát hiện.

Khi thông tin trên được công bố, Nga và Iran đã kịch liệt phản ứng và cho rằng đây chỉ là biện pháp tâm lý chiến. Bên cạnh việc Moskva cùng Tehran cho rằng các đài radar cảnh giới của S-400 Triumf cùng S-300PMU-2 Favorit không thể để lọt chiếc F-35 thì điều khiến họ tự tin nhất khi đưa ra phát ngôn trên đó là căn cứ vào tầm bay của F-35.

Tầm bay của chiếc F-35I Adir bị cho là không đủ để bay tới Iran rồi quay về

Tầm bay của chiếc F-35I Adir bị cho là không đủ để bay tới Iran rồi quay về

Theo công bố của nhà sản xuất Lockheed Martin, chiếc F-35A (biến thể của F-35I Adir) có bán kính chiến đấu chỉ là 1.239 km khi mang theo lượng nhiên liệu trong thân hoặc kéo dài thêm lên tới 1.407 km trong trường hợp chỉ mang tên lửa không đối không để bảo vệ không phận.

Cần lưu ý rằng con số trên chỉ là tham số lý tưởng, tức là chiếc F-35 khi đó sẽ thực hiện đường bay thẳng như kẻ chỉ, không thao diễn bay thấp hay lượn lách để tránh các cụm phòng không và radar cảnh giới của đối phương.

Còn trong thực tế, bán kính chiến đấu của tất cả các loại máy bay thường ít nhất cũng bị trừ hao đi 30% so với thông số công bố. Chiếc F-35I khi đó coi như đang thực hiện nhiệm vụ phòng không, khoang vũ khí của nó không có bom hay các loại tên lửa trọng lượng lớn thì cũng khó mà đủ nhiên liệu để bay về.

Quãng đường từ Israel tới thủ đô Tehran của Iran vượt quá bán kính chiến đấu của F-35I Adir

Quãng đường từ Israel tới thủ đô Tehran của Iran vượt quá bán kính chiến đấu của F-35I Adir

Trong tấm ảnh trên, có thể thấy rằng quãng đường mà chiếc F-35I Adir cần vượt qua để bay tới thủ đô Tehran của Iran là 1.469 km, tức là đã vượt qua cả bán kính chiến đấu của máy bay.

Nếu như chiếc F-35I này cất cánh từ sân bay dân sự Eliat để có quãng đường ngắn nhất tới Bandar Abbas - nơi đặt cơ sở hạt nhân của Iran thì cũng phải vượt qua hơn 2.100 km, trong khi tầm bay tối đa của F-35I là 2.200 km, tức là chiếc tiêm kích Israel sẽ chẳng thể quay về.

Quãng đường mà F-35I Adir phải vượt qua để tới Bandar Abbas lên tới trên 2.100 km

Quãng đường mà F-35I Adir phải vượt qua để tới Bandar Abbas lên tới trên 2.100 km

Còn trong thực tế để bảo mật cho vũ khí tối tân nhất của mình, Không quân Israel thường cho F-35I cất cánh từ sân bay quân sự Nevatim hoặc các căn cứ khác cách xa biên giới với các nước láng giềng, khi đó quãng đường mà F-35I phải vượt qua còn lớn hơn nhiều.

Vậy nhưng sau cuộc điều tra, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Khamenei đã ra lệnh cách chức và thuyên chuyển tư lệnh phòng không Iran - tướng Farzad Ismaeili vì che giấu việc F-35I xâm nhập, cho thấy rằng họ đã có bằng chứng về việc chiếc tiêm kích Israel đã thực hiện phi vụ một cách thành công.

Bản đồ các căn cứ không quân của Israel

Bản đồ các căn cứ không quân của Israel

Hiện tại vẫn chưa rõ chiếc F-35I Adir của Không quân Israel đã làm cách nào để vượt qua cự ly lớn như trên, chưa kể Tel Aviv còn tuyên bố tiêm kích tàng hình của họ còn lượn nhiều vòng trên cơ sở hạt nhân của Iran để chụp ảnh?

Giả thiết được nhiều người quan tâm nhất đó là chiến đấu cơ Israel đã được tiếp dầu khi nó bay trên không phận Iraq bởi máy bay Mỹ, nhưng nếu có chuyện đó thì tại sao các hệ thống radar mặt đất lại chẳng phát hiện ra?

Có thể thấy rằng trong tay người Israel vẫn còn nhiều bí mật chưa được công bố về tính năng của vũ khí, không phải ngẫu nhiên mà họ được đánh giá là lực lượng tinh nhuệ hàng đầu thế giới hiện nay và đã từng một mình đánh thắng liên quân của 6 nước Arab.