Vì sao Mỹ sẵn sàng "đánh úp" Iran?

Gần đây, Israel và Mỹ đã xích lại gần nhau về quan điểm lập trường trong vấn đề chiến tranh chống Iran.

Tác giả David Rothkopf, chuyên gia nổi tiếng ở Mỹ về thương mại quốc tế và chính sách đối ngoại đã viết bài báo về vấn đề này trên tạp chí Foreign Policy.
Theo các nguồn tin của ông này ở Washington và Jerusalem, Mỹ và Israel đang nghiêm túc xem xét khả năng cùng đánh đòn “mổ xẻ” vào các mục tiêu hạt nhân của Iran. Một chiến dịch như vậy phải diễn ra chỉ trong mấy giờ đồng hồ (nhiều nhất là hai ngày).
Tham gia vào chiến dịch chủ yếu là UAV và máy bay ném bom chiến lược có khả năng tấn công mục tiêu mà không cần đi vào khu vực hoạt động quốc phòng của đối phương.
Mỹ đã thuyết phục được các đồng minh là tổng quy mô của chiến dịch tiềm tàng này phải nhỏ hơn quy mô đang được thảo luận công khai trên báo chí.
Theo những người ủng hộ lập trường như vậy, trong trường hợp thắng lợi chiến dịch sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho Mỹ và các đồng minh của nước này trong khu vực. Cụ thể, chương trình hạt nhân của Iran sẽ bị đẩy lùi nhiều năm, thiệt hại cho dân thường sẽ là tối thiểu. Syria, Lebanon và Iraq sẽ "thoát" khỏi ảnh hưởng của Teheran, an ninh ở vùng Vịnh Persian được nâng lên. Nga và Trung Quốc sẽ nhận thức được sự vô nghĩa của những nỗ lực tranh giành vai trò cầm đầu của Mỹ ở Cận Đông.
Ngoài ra, một chiến dịch như vậy sẽ có lợi cho ông Barack Obama, người đang mất điểm trong cuộc chạy đua trước bầu cử với đảng viên cộng hòa Mitt Romney.
Ứng viên Mitt Romney xây dựng chương trình chính sách đối ngoại của mình trên cơ sở phê phán ông Barack Obama “không đủ rắn” và “coi thường lợi ích của Israel”. Nếu Iran bị ném bom, ông Romney sẽ phải thừa nhận sai lầm của mình và ủng hộ hành động của ông Obama.
Trước đây, Israel và Mỹ đã tranh cãi công khai về sự cần thiết đưa ra “giới hạn đỏ” đối với Iran mà nếu vượt qua có nghĩa là chiến tranh.
Jerusalem cương quyết đòi đưa ra một tối hậu thư như vậy. Đây là biện pháp duy nhất để buộc Tehran ngừng các nghiên cứu hạt nhân. Washington bác lại, là cần chờ đợi trước khi đưa ra “đường đỏ”, để các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt phát huy tác dụng.
Teheran, về phần mình, coi mọi đe dọa đối với mình là “trò bịp”, nhưng nhấn mạnh sẽ có thể bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của mình trong trường hợp cần thiết.
Bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào đầu tháng 11/2012. Những ngày vừa qua ông Barack Obama bắt đầu mất điểm uy tín trước Mitt Romney. Theo một số cuộc thăm dò dư luận, ứng cử viên cộng hòa đã vượt qua Tổng thống đương nhiệm.