Vì sao khó xử lý xâm hại tình dục trẻ em?

ANTD.VN - Thời gian qua, số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục diễn ra ngày càng tăng khiến không ít phụ huynh lo lắng. Tuy vậy, chế tài xử lý đối tượng thực hiện hành vi này còn nhiều hạn chế…

Biểu hiện của hành vi lạm dụng tình dục trẻ em là đối tượng lợi dụng vị thế của mình nhằm dụ dỗ hay cưỡng ép trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục. Đó có thể là việc đối tượng đụng chạm bộ phận sinh dục, vuốt má, vỗ mông hoặc tiếp xúc miệng vào bộ phận sinh dục của trẻ, giao hợp bằng ngón tay hoặc giao hợp qua đường sinh dục, hậu môn.

Lạm dụng tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn ở việc tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy… 

Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, trẻ em vị thành niên bị xâm hại tình dục ngày càng nhiều, hành vi xâm hại ngày càng tinh vi, phức tạp. Đối tượng trẻ bị xâm hại gồm cả nam và nữ, phổ biến ở lứa tuổi 5-13, người thực hiện thường là người quen biết, thậm chí thân thiết với trẻ. Điều này cho thấy sự xuống cấp về đạo đức, sự thiếu hiểu biết coi thường pháp luật của đối tượng thực hiện hành vi. 

Vì sao khó xử lý xâm hại tình dục trẻ em? ảnh 1Bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ bị xâm hại là trách nhiệm của toàn xã hội (Ảnh minh họa)

Chế tài chưa nghiêm

Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, theo BLHS, khi xâm hại tình dục trẻ em, tùy từng trường hợp cụ thể mà đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc giao cấu với trẻ em. Trong trường hợp đối tượng có ý định giao cấu nhưng không giao cấu được do khách quan thì hành vi có thể cấu thành tội dâm ô với trẻ em. Tuy vậy, theo quy định hiện hành, chế tài xử lý đối với hành vi này chưa thực sự nghiêm khắc. 

Cũng theo luật sư Hoàng Huy Được, để xác định dấu vết làm căn cứ khẳng định có hành vi xâm hại tình dục hay không là điều không đơn giản do nó liên quan trực tiếp đến tâm lý, lời khai của người bị hại, người liên quan đến vụ án. Vì e ngại, sợ mọi người biết nên bị hại, người thân của họ thường cố tình che giấu hoặc khai báo không đúng sự thật. 

Trong khi đó, nếu thiếu chứng cứ pháp y, việc xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em gần như rơi vào ngõ cụt. Ngoài ra, pháp luật hiện hành hầu như chỉ chú trọng chế tài đối với hình thức xâm hại nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng dâm song với các hình thức nhẹ hơn thì hầu như chưa có quy định điều chỉnh. 

Cần giáo dục trẻ biết cách tự bảo vệ

Có thể nói, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp là do thiếu quy định chặt chẽ trong luật. Chế tài xử phạt tuy có nhưng đôi khi không tương xứng với hành vi cần xử lý. Hơn nữa, những vụ xâm hại tình dục trẻ em thường diễn ra “trong bóng tối”, nạn nhân thường im lặng hoặc bị đe dọa không dám khai báo nên rất khó bị phát hiện.

Cứ 6 bé trai/4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. 

Lạm dụng tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn ở việc tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy… 

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực vào tháng 6-2017 quy định rõ, các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại…

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự 2015 đã dành 5 điều luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có quy định dâm ô với người dưới 16 tuổi.  

“BLHS cũng xác định hành vi khiêu dâm trẻ em thể hiện ở các dấu hiệu lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức” - luật sư Hoàng Huy Được cho biết.

Trong khi chờ các quy định trên có hiệu lực thi hành, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ cần giáo dục con em mình có biện pháp tự bảo vệ, đồng thời tăng cường gần gũi, quan tâm đến trẻ để có thể phát hiện được những dấu hiệu bất thường, từ đó có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.