Vì sao khó xử lý tội phạm về môi trường?

(ANTĐ) - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm về môi trường có những diễn biến phức tạp. Những vi phạm về pháp luật môi trường trên nhiều lĩnh vực với hình thức ngày càng tinh vi và phức tạp đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên việc xử lý hình sự trong lĩnh vực này hiện vẫn còn rất hạn chế.

Vì sao khó xử lý tội phạm về môi trường?

(ANTĐ) - Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm về môi trường có những diễn biến phức tạp. Những vi phạm về pháp luật môi trường trên nhiều lĩnh vực với hình thức ngày càng tinh vi và phức tạp đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên việc xử lý hình sự trong lĩnh vực này hiện vẫn còn rất hạn chế.

Lực lượng chức năng kiểm tra pháp luật về môi trường (Ảnh minh họa)
Lực lượng chức năng kiểm tra pháp luật về môi trường (Ảnh minh họa)

Theo thống kê, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp (trong đó có hơn 150 xí nghiệp, nhà máy trong nội thành), các cơ sở sản xuất cũ vẫn còn tồn tại (ước tính có khoảng 200 cơ sở) hầu hết đều sản xuất phân tán với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn không có trạm xử lý nước thải tập trung, nước thải công nghiệp được thoát chung với nước thải sinh hoạt.

Số liệu của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, lượng chất thải công nghiệp (trong đó phần lớn là chất thải độc hại) được thu gom, xử lý trên địa bàn Hà Nội mới chỉ chiếm khoảng 20-25%, số còn lại được thải ra môi trường tự nhiên hoặc thu gom lẫn với chất thải sinh hoạt. Ngoài ra Hà Nội hiện còn có 83 làng nghề thủ công truyền thống và trên 1.000 công trường xây dựng lớn nhỏ cũng là những tác nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường.

Nội dung bảo vệ môi trường còn chung chung

Phát triển kinh tế hiện nay phải đi đôi với yêu cầu phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Việc tội phạm môi trường ngày càng tăng khiến xã hội cùng sự sống của con người luôn bị đe dọa. Việc phòng chống tội phạm về môi trường hiện nay đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Đội ngũ bảo vệ môi trường, Cảnh sát môi trường lực lượng vẫn còn mỏng. Điều đó dẫn đến việc các vụ việc về môi trường phần lớn luôn được quần chúng nhân dân phát hiện, các cơ quan chức năng sau đó mới vào cuộc xử lý những sai phạm.

Các quy định về bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững hiện mới tồn tại chủ yếu trong các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, còn các lĩnh vực khác thì nội dung bảo vệ môi trường chỉ được đề cập một cách chung chung, mờ nhạt. Ngoài ra, theo nghiên cứu, tôi được biết mức hình phạt cho tội phạm môi trường hiện nay vẫn còn khá nhẹ, và vẫn chưa đủ sức răn đe loại tội phạm này.

Luật sư Hoàng Văn Dũng

Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, đã trở thành nỗi bức xúc không chỉ của các cấp chính quyền mà còn là nỗi lo ngại của mỗi người dân. Song việc phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân cơ bản là do phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này ngày một tinh vi hơn, có sự đối phó với các cơ quan chức năng, đòi hỏi lực lượng công an phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, huy động lực lượng và phương tiện, tổ chức theo dõi thời gian dài. Bên cạnh đó việc xử lý vi phạm pháp luật về môi trường chưa có sự đồng đều, và chưa thực sự nghiêm minh, quan điểm xử lý giữa các địa phương và một số bộ, ngành còn chưa thống nhất...

Một nguyên nhân quan trọng khác xuất phát từ những kẽ hở trong Bộ luật Hình sự quy định về loại tội phạm này. Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009, tại chương XVII đã bỏ hầu hết các điều quy định phải có yếu tố xử phạt hành chính thì mới cấu thành tội phạm môi trường, nhưng vẫn còn tồn tại một vài điều có liên quan đến yếu tố phải vi phạm hành chính. Trong khi đó, theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn có hiệu lực của quyết định hành chính chỉ trong vòng 1 năm.

Sau một năm đó, cá nhân tổ chức vi phạm tiếp tục vi phạm thì không xử lý hình sự được. Ngoài ra các tội thuộc chương này đều quy định hành vi vi phạm phải gây hậu quả nghiêm trọng. Xong việc xác định hậu quả về môi trường là rất khó khăn, hơn nữa nhiều trường hợp hậu quả lại không xảy ra ngay mà phải sau một thời gian dài, có thể phải nhiều năm mới thấy hết được, thời điểm đó thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết.

Mặt khác để tính toán, xác định mức độ thiệt hại cho môi trường cũng là điều không dễ dàng, nhất là trong giới hạn kỹ thuật hiện nay của Việt Nam. Nhiều vụ vi phạm môi trường ở Việt Nam phải thuê kỹ thuật giám định của nước ngoài mới có thể đưa vụ việc ra cơ quan xét xử.

Hạn chế về quyền hạn điều tra

Đại tá Doãn Hữu Châu
Đại tá Doãn Hữu Châu

Lực lượng Cảnh sát môi trường về mặt tổ chức là cơ quan điều tra có chức năng phòng ngừa, đấu tranh với các tội phạm và vi phạm về môi trường, thế nhưng đến nay vẫn chưa được áp dụng đầy đủ các thẩm quyền và các biện pháp tố tụng theo quy định. Đối với cơ quan điều tra để đấu tranh chống các tội phạm phải có các thẩm quyền do Luật Tố tụng hình sự quy định (được áp dụng các biện pháp cưỡng chế như bắt, tạm giữ) nhưng với Cảnh sát môi trường thì chưa có những quy định đó. Mặc dù tổ chức của Phòng Cảnh sát môi trường nằm trong cơ quan điều tra nhưng thực tế chưa có những quyền hạn của cơ quan điều tra, và để có được điều này thì cần phải thay đổi Pháp lệnh của cơ quan điều tra.

Khi có vụ việc xảy ra, Phòng Cảnh sát môi trường buộc phải phối hợp với các cơ quan điều tra khác (Cơ quan điều tra của quận, huyện, phối hợp với cơ quan điều tra của thành phố như Phòng Cảnh sát Kinh tế, Văn phòng Cơ quan điều tra…). Ngoài ra, trong rất nhiều vụ việc vì đơn vị không có thẩm quyền kiểm tra nên buộc phải phối hợp với các ngành khác như quản lý thị trường, kiểm lâm… điều này đã dẫn đến những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của công tác phá án.

Đại tá Doãn Hữu Châu

Trưởng phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội

Khó xác định mức độ nghiêm trọng

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phương
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phương
Theo tôi, các hành vi vi phạm của tội phạm môi trường thường gặp khó khăn trong việc xử lý bởi các nguyên nhân sau: Thứ nhất, hành vi vi phạm môi trường trên thực thế chủ yếu là do pháp nhân gây ra, trong khi đó, tại chương 17 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2009 quy định chỉ truy cứu trách nhiệm về hành vi vi phạm luật môi trường đối với thể nhân (cá nhân).

Nguyên nhân thứ hai, các hành vi vi phạm môi trường muốn xác mức độ vi phạm phải thông qua những biện pháp khoa học kỹ thuật, máy móc, phương tiện hiện đại nên rất khó xác định mức độ vị phạm. Mức độ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng để xác định cấu thành tội phạm môi trường rất khó để định lượng vì hậu quả do hành vi nghiêm trọng diễn biến rất phức tạp trên thực tế.

Ngoài ra, lực lượng cán bộ điều tra về tội phạm môi trường cũng như trang thiết bị kỹ thuật cho cảnh sát môi trường vẫn còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng được so với diễn biến phức tạm của loại hình tội phạm này. Chính vì thế, vẫn còn nhiều hành vi vi phạm môi trường bị bỏ qua và chưa được xử phạt trên thực tế.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Phương

Trưởng bộ môn Luật Môi trường - Đại học Luật Hà Nội

Hình phạt chưa đủ sức răn đe

Ông Vũ Thế Đoàn
Ông Vũ Thế Đoàn
Hiện nay, loại tội phạm về môi trường chưa được xử lý nghiệm khắc và kịp thời khiến cho môi trường sống của con người luôn bị ảnh hưởng. Nguyên do là ngay từ khi cấp giấy phép đầu tư cho các nhà máy, xí nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường ở nước ta còn có những thiếu xót. Ví dụ như việc lựa chọn vị trí xây dựng những nhà máy này chưa phù hợp với việc phát triển các ngành kinh tế khác và vị trí các khu dân cư.

Mặt khác, khi các nhà máy xí nghiệp này được xây dựng và đi vào hoạt động thì việc kiểm tra giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về môi trường cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Chỉ đến khi dư luận quần chúng nhân dân lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc để xem xét giải quyết những vụ việc vi phạm.Bên cạnh đó, việc điều tra, truy tố các hành vi vi phạm cũng chưa được các Cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm đúng mức, kịp thời. Việc xử lý vi phạm thường chậm chạp, không kịp thời ngăn chặn hậu quả, nguy hại cho môi trường.

Việc xả khí độc, nước ô nhiễm… vào môi trường hiện tại gây hậu quả rất nguy hiểm không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Hiện nay  các  mức hình phạt (hình phạt chính và hình phạt bổ sung) đã quy định tại chương 17 - Bộ luật hình sự với mức hình phạt tù cao nhất là 15 năm tù và hình phạt tiền bổ sung là 500 triệu đồng chưa đủ tác dụng răn đe, phòng chống những người vì động cơ vụ lợi đang vi phạm. Do vậy, cần sử dụng tổng hợp đồng bộ tất cả các biện pháp từ tuyên truyền, quản lý, kiểm tra giám sát và xử phạt nghiêm khắc kịp thời tất cả các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Vũ Thế Đoàn

Phó Chánh tòa Phúc thẩm, Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội

Nhóm PV Ban Cuối tuần

(Thực hiện)