Lộn xộn bến xe Mỹ Đình (1)

Vì sao khó xóa “bến cóc”?

ANTĐ - Bến xe Mỹ Đình được đưa vào sử dụng từ năm 2004. Đến nay, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, số xe của các đơn vị vận tải hoạt động tại đây đã tăng gấp 3 lần so với thiết kế ban đầu. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các “bến cóc” xung quanh Bến xe Mỹ Đình nảy sinh và khó xóa dù lực lượng chức năng đã sử dụng rất nhiều biện pháp mạnh.

Bến cóc” nằm sát bến xe Mỹ Đình 

Nguyên nhân hình thành bến cóc

Thống kê của CAH Từ Liêm cho thấy, hiện nay tại Bến xe Mỹ Đình có 219 doanh nghiệp vận tải hành khách tham gia với số lượng 1.927 xe, trung bình một ngày có 1.200 xe ra vào bến. Ngoài ra còn có 600 lượt xe buýt, 8 đơn vị và 5 công ty cổ phần xe taxi cùng hoạt động. Trong khi đó, theo công suất thiết kế ban đầu chỉ cho khoảng 600 xe/ngày. Nếu như ban đầu, mỗi xe vào bến có khoảng thời gian từ 20-30 phút để đón khách, còn hiện nay, mỗi xe chỉ còn vỏn vẹn 5 phút để đón khách. Công suất của Bến xe Mỹ Đình quá nhỏ, lực lượng điều độ bến xe bắt buộc phải áp dụng hình thức, đúng giờ xe có nốt mới được vào bến đón khách.

Chẳng hạn xe tuyến Hà Nội - Nam Định có giờ xuất bến ở Hà Nội là 8h30 thì đúng 8h30 xe đó mới được vào bến, trước 8h30 phải đỗ ở ngoài. Theo Trung tá Dương Ngọc Thông, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát giữ gìn trật tự công cộng số 2, Phòng Cảnh sát trật tự - CATP Hà Nội vì thế mà xe này phải lựa chọn vào “bến cóc”, nếu đỗ dưới lòng đường sẽ bị các lực lượng chức năng xử phạt với mức cao nhất lên tới 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ với vài chục nghìn đồng và lý do... vệ sinh xe, các xe có nốt có thể ung dung đỗ tại các bến cóc. Khi xây dựng Bến xe Mỹ Đình, cơ quan chức năng cũng đã tính toán nếu xe chưa đến giờ vào bến hoặc ở lại qua đêm trong bến thì sẽ đỗ tại điểm trông giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội tại khu vực đối diện với sân vận động Quốc gia Mỹ Đình. Nhưng tại đây, các tiện ích đi kèm như rửa xe, sửa xe lại không có, cộng với đó là quãng đường di chuyển xa thêm 2km nên các doanh nghiệp vận tải không mặn mà. Trong khi đó, tại “bến cóc” phía sau Bến xe Mỹ Đình, các dịch vụ này lại tương đối đầy đủ.

Có rất nhiều lý do để các xe tìm đến “bến cóc”, thậm chí trong đó rất nhiều xe có nốt cố định trong Bến xe Mỹ Đình. Chưa đến giờ vào bến, ra bến cóc đỗ tạm; quá giờ vào bến: trả khách ở “bến cóc”, cho người vào bến đóng dấu nhật trình còn xe đi thẳng cổng ra, không vào bến; vé vào Bến xe Mỹ Đình đối với mỗi xe là 77.000 đồng (chưa tính các khoản “phụ phí” kèm theo khác), trong khi nếu mang xe ra “bến cóc”, các chủ cơ sở rửa xe kèm trông giữ chỉ lấy có 30.000 đồng tiền trông xe; “xe dù” không có nốt ở Bến xe Mỹ Đình lựa chọn “bến cóc” làm nơi đón trả khách. Nhiều tuyến xe đến đêm mới về đến Bến xe Mỹ Đình, dù có nốt nhưng vì phía trong bến không có chỗ đỗ xe nên cũng đành chấp nhận ra “bến cóc” gửi để sáng mai tiếp tục hành trình. 

Khó phân biệt đâu là “Bến cóc” và Bến xe Mỹ Đình

Hô “biến” thành bến cóc

Thời gian trước, xung quanh Bến xe Mỹ Đình có rất nhiều khu đất trống của các cơ quan đơn vị. Đây chính là điều kiện để hình thành các “bến cóc”. Còn thời điểm hiện nay, tại đây chỉ còn lại “bến cóc” lớn nhất là khu vực bãi đất trống phía sau Bến xe Mỹ Đình cùng một điểm nhỏ lẻ khác. “Bến cóc” lớn nhất rộng khoảng 12.000m2, là đất ruộng canh tác của 60 hộ dân trong xã Mỹ Đình. Khi bến xe được xây dựng, khu đất này không bị giải tỏa nên không thuộc diện được nhận tiền đền bù, song người dân lại không thể canh tác được ở đây. Mất ruộng, họ tự san lấp rồi cho một số người khác thuê lại làm bãi rửa xe, kinh doanh hàng quán và chủ yếu làm bãi trông giữ xe. Đầu năm 2012, thực hiện đợt giải tỏa các lều quán xung quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình, “bến cóc” này đã được xóa sổ, nhưng chỉ duy trì trong vòng... 1 tuần. Sau đó, các hộ kinh doanh lại tái lấn chiếm, xây cầu rửa xe làm bãi đỗ xe. Đó không phải là lần duy nhất mà mỗi năm 2 lần, lực lượng chức năng lại thực hiện giải tỏa, xử phạt nghiêm các vi phạm tại các khu vực này, nhưng chỉ là giải quyết phần ngọn. 

Hiện nay, ở đây có 6 hộ dân thầu lại khu vực đất này, kinh doanh rửa xe, sửa xe và trông giữ ô tô qua đêm. Chỉ duy nhất có một hộ đặt một chiếc thùng container còn các hộ khác đều chỉ cắm cột, che lều bạt tạm. Trong đợt cao điểm thực hiện Kế hoạch 228 phối hợp giữa Phòng CSTT - CATP Hà Nội và CAH Từ Liêm đảm bảo TTATGT, TTĐT khu vực Bến xe Mỹ Đình, UBND huyện Từ Liêm đã lập biên bản xử lý vi phạm đối với 13 trường hợp lập bến bãi trái phép. Nhưng do cơ quan chức năng không thu giữ được giấy tờ gì ngoài... chứng minh thư nhân dân nên đến thời điểm này, trong 13 trường hợp bị xử lý, chỉ có số ít lên nộp phạt. 

Trung tá Đỗ Đức Khang, Đội trưởng Đội CSTT-PƯN CAH Từ Liêm cho hay: Số xe vào bến quá nhiều, trong khi lượng khách vào bến ít nên bắt buộc các xe phải chạy lòng vòng đón trả khách sai tuyến trên đường Phạm Hùng. Thêm vào đó, các ki-ốt bán hàng quá đông - gần 500 ki-ốt, chưa kể đến các cơ sở nhà nghỉ, bán xăng, sửa xe ngay trong bến xe. Do đó, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vận tải về nơi đỗ xe, xung quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình hiện có 2 điểm rửa xe, thay dầu trá hình làm nơi đón trả khách, trông giữ xe qua đêm. Bến xe Mỹ Đình quá tải - nguyên nhân dẫn đến các “bến cóc” xung quanh khu vực này tồn tại như một lẽ tất nhiên, muốn xóa không phải là chuyện ngày một, ngày hai.