Vì sao hàng trăm GrabBike tập trung phản đối Grab?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Ngày 7/12, hàng trăm lái xe Grab, trong đó phần lớn là GrabBike đã tắt ứng dụng, đến văn phòng của Công ty TNHH Grab tại Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội để phản đối.

Phản đối tăng cước, tăng chiết khấu

Việc hàng trăm lái xe tụ tập về đây đã gây mất trật tự, lực lượng chức năng đã phải vào cuộc giữ trật tự.

Không chỉ tụ tập về văn phòng của Grab ở Duy Tân, hàng trăm lái xe GrabBike còn diễu hành trên đường, đồng thời livestream trên facebook của các hội nhóm và cá nhân để phản đối Grab. Sự việc đã gây náo động và thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo lái xe GrabBike Vũ Mạnh Công, từ ngày 5/12 Grab đã tăng cước khá cao đối với mỗi cuốc xe. Cũng bởi việc tăng cước cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn cùng với giá xăng ở mức thấp đã khiến không ít hành khách phàn nàn.

“Tôi liên tục nhận được phàn nàn của khách, sao có hãng taxi nào tăng cước đâu mà Grab lại tăng cước, chắc độc quyền nên mới thế, chứ khó khăn thế này lại còn “thêm dầu vào lửa”- lái xe Vũ Mạnh Công cho biết.

Hàng trăm lái xe GrabBike tắt ứng dụng, đổ về Duy Tân phản đối Grab ngày 7/12

Hàng trăm lái xe GrabBike tắt ứng dụng, đổ về Duy Tân phản đối Grab ngày 7/12

Cũng tham gia tắt ứng dụng, phản đối chính sách tăng cước, tăng chiết khấu của Grab, lái xe Hồ Thanh Sơn cho hay, ngày 7/12, tôi tắt ứng dụng cả ngày, không tham gia chở khách để phản đối việc tăng giá cước quá cao của phía Grab.

Các lái xe cũng tập trung đông tại cổng Đài THVN, Đài TNVN để gây sự chú ý và vào cuộc của công luận

Các lái xe cũng tập trung đông tại cổng Đài THVN, Đài TNVN để gây sự chú ý và vào cuộc của công luận

Theo đó, từ 11h ngày 5/12, Grab chính thức áp dụng chính sách giá mới.

Cụ thể: Giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội và Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km; Khu vực TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km.

Tương tự, giá cước GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút.

Đồng thời, Grab cũng tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabCar và GrabBike.

Tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273% và và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.

Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ chiết khấu đã nhận phải phản ứng gay gắt từ lái xe Grab. Hàng trăm lái xe Grab kiến nghị Công ty TNHH Grab chỉ giữ mức ứng dụng 20% thu về, đồng thời áp dụng tất cả các chính sách an sinh của nhà nước cho tất cả các tài xế đã đủ điều kiện là nhân viên chính thức.

Đơn kiến nghị tập thể này cũng yêu cầu Grab trả lại toàn bộ phí sử dụng ứng dụng đã thu chênh lệch từ ngày 5/12 đến nay (chênh lệch 7,23% so với trước kia) cho lái xe.

Grab chỉ làm nghĩa vụ nộp thuế hộ các đối tác tài xế

Nêu ý kiến về sự việc này, đại diện Công ty TNHH Grab cho hay, trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, việc tuân thủ pháp luật luôn là tiêu chí hàng đầu của Grab.

Theo đó, Grab đang tuân thủ chặt chẽ Luật thuế Giá trị gia tăng 2008, Luật Quản lý thuế 2019 và đặc biệt là Nghị định 126/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 3/12/2020.

Theo quy định Nghị định 126, thuế VAT 10% (theo pháp luật thuế mà Grab đang thực hiện) được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.

Do đó, nhằm mục đích tuân thủ quy định này, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp, đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế VAT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

Cũng theo Nghị định 126, cá nhân hợp tác kinh doanh (trong trường hợp này là đối tác tài xế) không thuộc trường hợp trực tiếp khai thuế, nộp thuế. Doanh nghiệp có trách nhiệm thu hộ, nộp hộ thuế cho đối tác tài xế.

“Việc Grab khấu trừ khoản thuế phải nộp, kê khai, và nộp hộ cho các đối tác tài xế là tuân thủ quy định của Nghị định 126. Toàn bộ phần thuế thu hộ đều được Grab nộp về Kho bạc Nhà nước và đều được cơ quan thuế xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế”- đại diện Grab khẳng định.

Cũng theo Grab, doanh nghiêp này đã nhiều lần có văn bản xin hướng dẫn thực hiện Nghị định 126 nhưng chưa nhận được phản đối.

“Grab luôn lắng nghe các phản hồi từ người dùng và đối tác. Chúng tôi đang tích cực làm việc cùng các cơ quan chức năng để cân bằng quyền, lợi ích cho các bên có liên quan”- đại diện Grab bày tỏ.