Vì sao hàng loạt quốc gia phương Tây đóng cửa Đại sứ quán tại Ukraine?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hàng loạt quốc gia phương Tây vốn hậu thuẫn mạnh mẽ cho Ukraine đã đồng loạt đóng cửa các Đại sứ quán tại Thủ đô Kiev khi tình hình xung đột quân sự tại quốc gia này trở lên rất căng thẳng sau khi Ukraine dùng tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp tấn công sâu vào lãnh thổ Nga với sự “bật đèn xanh” của Washington.
Mỹ bất ngờ đóng cửa Đại sứ quán tại Thủ đô Kiev khi cuộc xung đột tại Ukraine có dấu hiệu leo thang nguy hiểm

Mỹ bất ngờ đóng cửa Đại sứ quán tại Thủ đô Kiev khi cuộc xung đột tại Ukraine có dấu hiệu leo thang nguy hiểm

Động thái bất ngờ của các Đại sứ quán phương Tây tại Kiev

Trong diễn biến đáng chú ý liên quan cuộc xung đột quân sự tại Ukraine, Đại sứ quán Italia tại Ukraine đã tạm thời đóng cửa từ ngày 20-11 vì lý do an toàn. Tương tự, Hy Lạp cũng ra tuyên bố tạm thời đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Thủ đô Kiev vì lý do an ninh. Cùng ngày, thông báo của cơ quan đại diện ngoại giao Tây Ban Nha tại quốc gia đang trong cuộc xung đột quân sự khốc liệt này với Nga cũng cho biết sẽ không cung cấp dịch vụ vào ngày 20-11 do “nguy cơ xảy ra các cuộc không kích trên khắp Ukraine ngày càng gia tăng”. Cơ quan ngoại giao này còn khuyến nghị công dân Tây Ban Nha sống tại Ukraine nên làm theo mọi khuyến cáo từ chính quyền địa phương và nên ở gần nơi trú ẩn.

Động thái của Đại sứ quán các quốc gia phương Tây được cho là hành động “nối gót” quyết định ngay trước đó của Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Kiev. Cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ đã ra khuyến cáo với không chỉ nhân viên ngoại giao mà cả công dân nước này tại Ukraine về nguy cơ xảy ra tấn công quy mô lớn nhằm vào Thủ đô của Ukraine, hướng dẫn nhân viên về nơi trú ẩn. Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo công dân nước này “chuẩn bị nơi trú ẩn ngay lập tức trong trường hợp có cảnh báo trên không”. Thông báo cũng kêu gọi công dân Mỹ tại Ukraine dự trữ nước, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác như thuốc men. Cảnh báo bất thường được Đại sứ quán Mỹ đưa ra một ngày sau khi Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Đức chỉ là số ít trong các quốc gia phương Tây còn duy trì hoạt động của Đại sứ quán tại Ukraine. Một viên chức Bộ Ngoại giao Đức cho biết, Đại sứ quán nước này tại Kiev vẫn mở cửa với số lượng hạn chế và công dân Đức tại Ukraine vẫn có thể liên hệ tới cơ quan đại diện ngoại giao của Đức. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức cũng tỏ ra thận trọng khi liên tục liên lạc với các đồng nghiệp tại Thủ đô Kiev để triển khai các phương án phù hợp nếu tình hình thay đổi.

Việc các quốc gia tạm đóng cửa hay hạn chế hoạt động của Đại sứ quán tại Thủ đô của Ukraine gây sự chú ý, quan tâm sâu sắc với sự lo ngại về diễn biến leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột quân sự ở đây. Mỹ và các quốc gia phương Tây từ khi cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine bùng phát tháng 2-2022 tới nay luôn duy trì hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao tại Thủ đô Kiev, xem đó như là một hành động mang tính biểu tượng cho sự sự ủng hộ, sát cánh cùng chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc xung đột quân sự với Nga.

Trong đó, đáng chú là chuyến thăm lịch sử và đầy bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Kiev vào ngày 20-2-2023 nhằm thể hiện sự ủng hộ và tình đoàn kết với Ukraine trong bối cảnh chỉ còn vài ngày là tròn một năm Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” (ngày 24-2-2022). Cùng với việc tái khẳng định cam kết kiên định, không lay chuyển về sự ủng hộ dành cho Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp chủ nhà còn “thảo luận về các vũ khí tầm xa” mà Washington cung cấp cho Kiev.

Khó lường cuộc xung đột Ukraine

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp mãn nhiệm và các quốc gia phương Tây khác cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào giảm bớt sự hậu thuẫn mạnh mẽ dành cho Ukraine. Thế nên, việc Mỹ và phương Tây tạm đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao tại Thủ đô Kiev “vì lý do an ninh, an toàn” đã phần nào cho thấy nguy cơ leo thang căng thẳng và diễn biến khó lường của xung đột quân sự tại Ukraine.

Những căng thẳng và diễn biến khó lường này diễn ngay sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm “bật đèn xanh” cho việc dỡ bỏ mọi hạn chế về vũ khí tầm xa mà Mỹ cung cấp cho Ukraine. Cũng do sự hạn chế của Mỹ trong việc cho phép Ukraine dùng tên lửa cũng như các loại vũ khí tầm xa khác tấn công sâu vào lãnh thổ Nga mà các quốc gia đồng minh của Mỹ trong liên minh quân sự NATO cũng tỏ ra dè dặt trong các quyết định tương tự bất chấp chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky liên tục lên tiếng thúc giục dỡ bỏ mọi hạn chế trong việc sử dụng vũ khí cung cấp cho Kiev.

Cũng ngay sau khi được Washington “bật đèn xanh”, Ukraine vào đêm 19-11 đã dùng tên lửa đất đối đất tầm xa ATACMS của Mỹ tấn công sâu vào tỉnh Bryansk của Nga. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội Ukraine đã phóng 6 tên lửa đạn đạo ATACMS tấn công vào tỉnh Bryansk và dữ liệu xác nhận đây là tên lửa chiến thuật ATACMS do Mỹ sản xuất.

Chỉ một ngày sau, không quân Ukraine vào ngày 20-11 đã lần đầu tiên phóng 10 tên lửa tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp vào mục tiêu ở tỉnh Kursk của Nga. Các nguồn tin từ Chính phủ Anh xác nhận, quân đội Ukraine đã lần đầu sử dụng mẫu tên lửa tầm xa này để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga. Tờ Guardian của Anh cho biết, London đã “bật đèn xanh” để Ukraine khai hỏa tên lửa Storm Shadow vào lãnh thổ Nga dù trước đó chỉ cho phép Kiev phóng loại tên lửa tầm xa và chính xác trên vào mục tiêu trong khu vực Nga kiểm soát ở tỉnh Donbass thuộc Ukraine trước khi bị Nga tuyên bố sáp nhập.

Việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ và phương Tây cung cấp tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đã lập tức làm dấy lên sự giận dữ từ Matxcơva. Phát biểu sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro (Brazil), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, đây là tín hiệu cho thấy phương Tây muốn “leo thang xung đột”. Ngoại trưởng Nga khẳng định, Ukraine không thể sử dụng tên lửa công nghệ cao, tầm xa mà không có sự hỗ trợ của Mỹ. Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Nga nhắc lại cảnh báo của Tổng thống Vladimir Putin rằng, quan điểm của Matxcơva sẽ thay đổi nếu phương Tây ủng hộ việc mở rộng phạm vi tấn công tới 300 km sâu vào lãnh thổ Nga.

Điện Kremli từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo sắc lạnh đối với Mỹ và phương Tây về việc dỡ bỏ hạn chế trong sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9-2024 đã tuyên bố thẳng rằng, việc Ukraine dùng vũ khí tầm xa được viện trợ để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga sẽ đẩy phương Tây vào cuộc chiến trực tiếp với Matxcơva. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, điều đó sẽ “thay đổi đáng kể bản chất cuộc xung đột, có nghĩa là các nước thành viên NATO, gồm Mỹ và các nước châu Âu, đang bước vào cuộc chiến với Nga”.

Đáng chú ý, đúng vào ngày đầu tiên Ukraine dùng tên lửa tầm xa của Mỹ tấn công vào lãnh thổ Nga, Matxcơva đã công bố sửa đổi Học thuyết hạt nhân của nước ngày, trong 4 sửa đổi quan trọng có sửa đổi rất đáng chú ý nhất là hạ ngưỡng kích hoạt vũ khí hạt nhân trong đòn đáp trả. Theo đó, Nga có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân đáp trả cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường được hỗ trợ bởi một nước sở hữu vũ khí nguyên tử, trong khi Học thuyết năm 2020 chỉ tập trung vào các cuộc tấn công trực tiếp từ những bên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine sau hai năm rưỡi bùng phát không những không hạ nhiệt mà có nguy cơ leo lên nấc thang căng thẳng mới và khó lường.