Vì sao Hà Nội đề nghị bỏ HĐND ở 177 phường nhưng vẫn giữ tên gọi UBND?

ANTD.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra 3 lý do chính khiến thành phố đề nghị giữ nguyên tên gọi UBND phường sau khi bỏ HĐND ở 177 phường, dù bản chất của UBND phường lúc đó chỉ là một Ủy ban hành chính…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin đến các ĐBQH trong đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Cung cấp thông tin đến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, thời gian vừa qua, Hà Nội đã hoàn thiện Đề án về việc không tổ chức HĐND cấp phường trên địa bàn thành phố.

Mới đây, Hà Nội đã trình Chính phủ, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ trình đề án này ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 để xem xét thông qua.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, theo Đề án nói trên, Hà Nội sẽ tổ chức việc bỏ HĐND phường ở tất cả 177 phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây, chứ không phải chỉ thí điểm tại một số phường.

Bản chất của UBND phường sau khi bỏ HĐND phường chính là cánh tay nối dài của UBND quận để hoạt động, điều hành chính quyền tại địa phương.

Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phường sẽ do Chủ tịch UBND quận đề bạt và bổ nhiệm. Toàn bộ công chức của các phường được hưởng chính sách giống như công chức, viên chức quận chứ không phân thành 2 chính sách như hiện nay.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng lý giải việc vì sao không lấy tên Ủy ban hành chính phường mà vẫn giữ tên là UBND phường sau khi đã bỏ HĐND cùng cấp, dù bản chất của UBND phường lúc đó đã thay đổi.

Theo ông Chung, trong quá trình xây dựng đề án này, thành phố đã lấy ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học. Cùng đó, căn cứ vào thực tiễn, thành phố cho rằng vẫn giữ tên gọi UBND phường là phù hợp.

“Nếu như thay tên gọi UBND phường (sau khi bỏ HĐND phường) thành Ủy ban hành chính phường thì toàn bộ phần mềm quản lý dữ liệu dân cư và các dịch vụ công sẽ đều phải thay lại. Toàn bộ hồ sơ, lý lịch, giấy tờ của công dân ở các phường sẽ phải thay lại hết, phải đính chính.

Hơn nữa, truyền thống văn hóa của mỗi địa phương đều gắn với phường, xã. Suốt mấy chục năm vừa qua, rất nhiều Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các phường được Nhà nước phong Anh hùng, tặng thưởng Huân chương các loại… giờ nếu đổi tên thành Ủy ban hành chính thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến yếu tố truyền thống của địa phương.

Thế nên, sau khi bỏ HĐND cấp phường, thành phố vẫn đề xuất giữ tên gọi là UBND phường. Về mặt hình thức thì tên gọi vẫn là UBND phường, nhưng bản chất thì là hoạt động như một cơ quan hành chính” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin.

Một vấn đề nữa mà nhiều đại biểu, người dân quan tâm là sau khi bỏ HĐND phường thì ai giám sát hoạt động của chính quyền ở cơ sở?

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, có 3 cơ chế giám sát. Một là, cơ chế giám sát của Quốc hội, HĐND Thành phố, vẫn giữ như hiện nay.

Thứ hai, tổ đại biểu HĐND các quận sẽ được tăng cường trách nhiệm và chức năng giám sát thay HĐND cấp phường. Thứ ba, tăng cường sự giám sát của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc ở phường, quận, và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn phường.

Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Nghị quyết về việc không tổ chức HĐND cấp phường ở Hà Nội sẽ có hiệu lực từ 1-6-2020.