Vì sao EU tăng cảnh báo an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết, tính đến ngày 20/2, EU có 16 cảnh báo về an toàn thực phẩm từ Việt Nam.

Nhiều quốc gia bị EU cảnh báo

Số lượng cảnh báo năm 2024 cũng tăng gần gấp đôi năm 2023.

Năm 2024, EU đã phát 5.268 cảnh báo cho tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cảnh báo về vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh luôn chiếm tỷ lệ cao.

Đặc biệt, trong năm 2024, EU có 37 cảnh báo về các thực phẩm mới, trong 8 cảnh báo về thực phẩm mới này, có 4 cảnh báo liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 50%.

Trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có sản phẩm bị EU cảnh báo trong năm 2024, nội khối EU bị cảnh báo nhiều nhất, với 1.965 cảnh báo. Việt Nam bị 114 cảnh báo, tăng gần gấp đôi so với năm 2023; Thái Lan có 68 cảnh báo; Indonesia có 27 cảnh báo…

Tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2025, trong 624 cảnh báo thì nội khối EU bị 248 cảnh báo, Việt Nam nhận 16 cảnh báo, Thái Lan bị 6 cảnh báo, Indonesia bị 2 cảnh báo.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhận định: “Thống kê trên cho thấy nếu so với cả năm 2024, con số bị cảnh báo của Việt Nam đã tăng từ 2,2% lên 2,6%. Nếu so sánh với một số quốc gia và vùng lãnh thổ có điều kiện tương tự xuất khẩu nông sản thực phẩm sang EU như Thái Lan, Indonesia… thì con số 16 cảnh báo của Việt Nam tương đối cao”.

Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào châu Âu vẫn là một thế mạnh

Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào châu Âu vẫn là một thế mạnh

Các nước gia tăng biện pháp an toàn với nông sản nhập khẩu

Theo phân tích của Văn phòng SPS Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến cảnh báo nhiều là do hiện nay các quốc gia, vùng lãnh thổ đang gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật đối với nông sản thực phẩm và thuỷ sản nhập khẩu.

Trong khi đó, sản xuất trong nước, một số vùng trồng vẫn chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi hoạt chất của mỗi sản phẩm là khác nhau. Một số vùng nuôi thủy sản còn lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng, thiếu hiểu biết về vi khuẩn gây bệnh, môi trường nuôi bị ô nhiễm…

Các cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến chưa cập nhật đầy đủ các quy định mới của EU về danh mục thực phẩm mới, nhãn mác sản phẩm, sản phẩm tổng hợp để đáp ứng đúng quy định...

Để tuân thủ các quy định SPS và nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm xuất khẩu, các đại biểu cho rằng, các bên liên quan cần có kế hoạch hành động cụ thể để bảo đảm nông sản, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, hạn chế cảnh báo, thu hồi, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất an toàn, bền vững...

Ông Ngô Xuân Nam cho rằng, trước mắt cần tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất (nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU. Các cơ quan chuyên môn có hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn, chứng nhận an toàn thực phẩm… tới các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, các khâu sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật.

Đặc biệt là tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu, cải thiện quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu, giảm rủi ro bị trả hàng do vi phạm quy định EU. Về dài hạn, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch và chiến lược dài hạn cho thị trường EU.