Vì sao dự án cầu Đại Ngãi 8.100 tỷ bắc qua sông Hậu chưa được triển khai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi có chiều dài tuyến khoảng 15,2km, bao gồm: 7 cầu (gồm: 2 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1 dài 2.240m và cầu Đại Ngãi 2 dài 860m; 5 cầu trung và nhỏ) và đường dẫn vào cầu với tổng mức đầu tư khoảng 8.140 tỷ đồng.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng trả lời kiến nghị liên quan đến dự án xây dựng cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu.

Theo Bộ GTVT, do tính chất quan trọng và cấp bách của dự án xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng không chỉ phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng cho vùng duyên hải Tây Nam bộ nên Bộ GTVT đã triển khai thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng dự án gồm 2 hợp phần.

Trong đó hợp phần 1 đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, hợp phần 2 sử dụng vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và đã được Thủ tướng đồng ý giao Bộ GTVT lập dự án đầu tư.

Tuy nhiên, do không có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển nên tháng 8/2016 Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng cho chuyển đổi phương thức đầu tư dự án xây dựng cầu Đại Ngãi sang sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối Sóc Trăng với Trà Vinh

Phối cảnh cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối Sóc Trăng với Trà Vinh

Sau đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý với đề xuất và giao Bộ GTVT triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Bộ GTVT đã giao Ban QLDA 7 tổng hợp, cập nhật các nghiên cứu của tư vấn trong nước, tư vấn Nhật Bản, ý kiến các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Theo Tờ trình của Ban QLDA 7, Bộ GTVT đã có văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương tổng hợp, hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, tháng 10/2019 Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Bộ KH-ĐT cũng đã có văn bản gửi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị cấp vốn vay ODA cho dự án.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi có chiều dài tuyến khoảng 15,2km, bao gồm: 7 cầu (gồm: 2 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1 dài 2.240m và cầu Đại Ngãi 2 dài 860m; 5 cầu trung và nhỏ) và đường dẫn vào cầu với tổng mức đầu tư khoảng 8.140 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho rằng, do cầu Đại Ngãi có quy mô lớn, vị trí xây dựng trên khu vực địa chất phức tạp lớp bùn dày, gần cửa biển nên Bộ GTVT có văn bản gửi Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề nghị cung cấp khoản tài trợ không hoàn lại để các chuyên gia Nhật Bản nhiều kinh nghiệm hỗ trợ Bộ GTVT lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Hiện nay, JICA đã triển khai tuyển chọn tư vấn để tiến hành nghiên cứu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Theo Bộ GTVT, ban đầu JICA dự kiến sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam tiến hành nghiên cứu vào tháng 4/2021 nhằm mục tiêu vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản trong tài khóa năm 2021 và bắt đầu triển khai thi công vào đầu năm 2023.

Tuy nhiên, do tình hình đại dịch Covid-19 đang rất phức tạp và kết quả giải ngân vốn vay JICA đối với các dự án đang triển khai bị chậm nên Chính phủ Nhật Bản vẫn đang xem xét.

Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với JICA trong thời gian tới để sớm triển khai công tác khoan khảo sát và phối hợp tiến hành nghiên cứu báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt dự án trình Thủ tướng Chính phủ đàm phán vốn vay và tổ chức thi công công trình trong kế hoạch vốn trung hạn 2021- 2025.