Vì sao đoàn Việt Nam không dám 'mơ' huy chương Vàng Olympic Tokyo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù mang sang Olympic Tokyo 18 VĐV xuất sắc nhất bao gồm Quán quân 10m súng ngắn hơi nam Hoàng Xuân Vinh, song Đoàn thể thao Việt Nam chỉ mong "phấn đấu có huy chương".

Thế vận hội (Olympic) được đánh giá là giải đấu thể thao lớn nhất, khắc nghiệt nhất hành tinh, nơi quy tụ những VĐV xuất sắc nhất thế giới.

Sự khắc nghiệt của Olympic thể hiện ngay từ vòng loại, đơn cử như với bóng đá nam, chỉ 16 đội bóng mạnh nhất thế giới được quyền tham dự (bằng 1/2 số suất dự World Cup), trong khi VĐV các môn thể thao đỉnh cao phải trải qua rất nhiều vòng đấu loại để chen chân vào nhóm đủ điều kiện tranh tài đại hội.

Sau 40 năm Việt Nam mới có 1 HCV Olympic nhờ công xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, song sẽ không dễ tái lập thành tích này

Sau 40 năm Việt Nam mới có 1 HCV Olympic nhờ công xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, song sẽ không dễ tái lập thành tích này

4 thập kỷ mới có 1 HCV

Tuy có những bước tiến nhất định, như việc tham dự phụ thuộc vào suất đặc cách dần chuyển sang cạnh tranh sòng phẳng để có suất chính thức, song Olympic vẫn là sân chơi quá tầm với một nền thể thao đang phát triển như Việt Nam.

Lịch sử cho thấy, kể từ khi hội nhập quốc tế với kỳ Olympic đầu tiên năm 1980 tại Moskva - Nga, đến nay, thể thao Việt Nam đã có hơn 40 năm góp mặt song mới chỉ có duy nhất HCV nhờ công xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt tại Rio - Brazil năm 2016.

Đó là thành tích hội đủ nhiều yếu tố, đặc biệt là phút thăng hoa xuất thần của Hoàng Xuân Vinh, điều mà ở các giải đấu sau đó chính anh chưa thể lặp lại và có thể ngay cả ở kỳ Olympic này trên cương vị đương kim vô địch 10m súng ngắn hơi nam.

Có VĐV tới Olympic bằng "cửa chính" đã khó, giành huy chương càng khó hơn bội phần.

Thực tế sau 4 thập kỷ với 9 kỳ Thế vận hội (không tính lần vắng mặt tại Olympic Los Angeles 1984), thể thao Việt Nam mới chỉ có bộ sưu tập huy chương khiêm tốn: 1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ.

Cụ thể, sau 4 kỳ Olympic trắng tay (Moskva 1980, Seoul 1988, Barcelona 1992, Atlanta 1996), Việt Nam mới có được tấm huy chương đầu tiên tại Olympic Sydney 2000, nhờ công võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân ở hạng cân 57kg nữ (HCB).

Sau kỳ Olympic Athens 2004 trắng tay, Việt Nam mới có thêm tấm HCB nhờ công lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn (hạng 56kg) tại Olympic Bắc Kinh 2008. Đến Thế vận hội London 2012, một lực sỹ cử tạ khác là Trần Lê Quốc Toàn góp thêm 1 HCĐ nhưng là nhờ đôn từ hạng tư lên, sau khi VĐV của Azerbajan bị tước huy chương vì doping.

Bốn năm sau tại Rio Brazil, Việt Nam có kỳ đại hội thành công nhất lịch sử, khi xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh mang về tấm HCV đầu tiên (nội dung 10m súng ngắn hơi nam) và thêm 1 HCB (50m súng ngắn).

Nhưng nay, ở kỳ Thế vận hội kế tiếp, thể thao nước nhà lại thấp thỏm với mục tiêu huy chương, khi xét tương quan thành tích, 85% số VĐV tham dự không có "cửa" cạnh tranh.

Thạch Kim Tuấn tiếp tục "săn" huy chương ở kỳ Olympic thứ ba liên tiếp

Thạch Kim Tuấn tiếp tục "săn" huy chương ở kỳ Olympic thứ ba liên tiếp

Rào cản tâm lý và bản lĩnh

Hy vọng lớn nhất đặt cả vào cử tạ, với sự góp mặt của Thạch Kim Tuấn (hạng 61kg nam) và Hoàng Thị Duyên (59kg nữ).

Xét về số liệu thi đấu, cả Tuấn và Duyên đều đang nằm tốp 3 - tức ở nhóm có huy chương. Thế nhưng khi vào thi đấu thực tế, VĐV ngoài cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ bằng xương bằng thịt còn phải chiến thắng đối thủ vô hình khác là chính mình, kết quả rất khó đoán định.

Thạch Kim Tuấn từng được dự báo có ít nhất HCB ở Olympic Rio 2016, nhưng ngay ở lần cử đẩy đầu tiên đã thất bại dẫn đến không được tính kết quả. Thất bại của Tuấn xuất phát từ tâm lý và bản lĩnh thi đấu - dù đó là kỳ Olympic thứ hai liên tiếp - chứ không phải thua kém chuyên môn.

Một trường hợp tương tự là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - người từng vô địch giải đấu khó nhất thế giới là Olympic nhưng ngay sau đó thất bại ở "ao làng" SEA Games. Và tới Olympic này, nhà đương kim vô địch thậm chí còn không vượt qua nổi vòng loại, phải nhờ vào suất đặc cách.

Liệu rằng ở Olympic Tokyo - kỳ đại hội thứ ba liên tiếp, Thạch Kim Tuấn và Hoàng Xuân Vinh có vượt qua chính mình?

Đêm 18-7, chuyến bay mang số hiệu JL752 của Hãng hàng không quốc gia Nhật Bản đưa Đoàn thể thao Việt Nam từ sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) tới sân bay Narita (Nhật Bản) dự Olympic Tokyo 2020 từ 23-7 đến 8-8.