Vì sao cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa hấp dẫn cổ đông chiến lược

ANTD.VN - Thu hút các cổ đông chiến lược, đặc biệt là cổ đông nước ngoài được coi là một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Vietnam Airline đã thu hút cổ đông chiến lược thành công khi cổ phần hóa

Ngày 30-10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố báo cáo “Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước”.

Ông Phạm Đức Trung- Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) cho hay, năm 2017, Quốc hội đặt mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp Nhàn nước phải thu về 60.000 tỷ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm nay, con số đạt được chỉ là 12.000 tỷ đồng. Trong đó, cổ phần hóa đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. 

"Thu hút cổ đông chiến lược là giải pháp quan trọng để thúcd đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước"- ông Phạm Đức Trung nói.

Báo cáo của CIEM cho biết, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa trên 4.500 doanh nghiệp, nhưng chất lượng chưa cao, một số mục tiêu chưa đạt được, trong đó có mục tiêu bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước với mức độ thấp hơn kỳ vọng.

Theo báo cáo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, kết quả bán cổ phần trên thực tế chưa đạt mục tiêu giảm vốn Nhà nước và thu hút vốn đầu tư tư nhân. Nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn. Tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài chỉ đạt 9,5% (so với kế hoạch là 16,7%), nhà đầu tư chiến lược là 7,3% (so với kế hoạch là 15,8%).

Đáng chú ý, đa số các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước chưa thu hút được cổ đông chiến lược.

Báo cáo được nghiên cứu từ 46 tổng công ty phê duyệt phương án cổ phần hóa giai đoạn 2011-2016 cho thấy, tổng vốn điều lệ của 46 tổng công ty đạt 171.225 tỷ đồng, trong đó tổng vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ là 124.835 tỷ đồng, chiếm 73% vốn điều lệ, phê duyệt bán cho cổ đông chiến lược là 28.369 tỷ đồng, chiếm 16,57% vốn điều lệ.

Trong số 46 doanh nghiệp này, có 14 doanh nghiệp (chiếm 30,4%) trong phương án cổ phần hóa không bán cho nhà đầu tư chiến lược; 2 doanh nghiệp (chiếm 4,4%) bán cổ phần hóa cho nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ cao hơn phương án được phê duyệt;

17 doanh nghiệp (chiếm 37%) bán hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược theo tỷ lệ được phê duyệt; 9 doanh nghiệp (chiếm 19,6%) không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 4 doanh nghiệp còn lại (chiếm 8,7%) không bán hết số cổ phần được phê duyệt cho nhà đầu tư chiến lược.

Thực tế trong 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu chiến lược, chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, chưa đạt đến ½ con số được phê duyệt.

Xét tiếp đến tỷ lệ bán được cho nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ này rất nhỏ, chỉ chiếm 8,7% (4/46 tổng công ty). Trong đó, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài mua tỷ lệ cổ phần thấp, cao nhất chỉ là 20%.

Theo ông Phạm Đức Trung, có 5 nguyên nhân khiến cổ đông chiến lược chưa mặn mà với cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là: khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài làm giảm động lực đầu tư của cổ đông, vì họ không đảm bảo được quyền điều hành, quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp. Trong khi đó, cổ đông trong nước để huy động vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng không phải là câu chuyện đơn giản.

Hai là việc định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu còn bất hợp lý; Ba là nhiều doanh nghiệp Nhà nước không có sức hấp dẫn đối với cổ đông chiến lược; Bốn là thiếu công khai, minh bạch thông tin; Cuối cùng, quy trình phức tạp, phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt. 

5 nguyên nhân trên dẫn đến khó tìm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa, và vì vậy, quá trình cổ phần hóa bị chậm.

Theo ông Adam Sitkoff- Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội, nhà đầu tư nước ngoài mong muốn được tham gia vào cổ phần hóa tại Việt Nam nhưng họ phát hiện nhiều vấn đề chưa được giải quyết nên sự quan tâm giảm đi. "ột trong những vấn đề nhà đầu tư quan tâm là công khai thông tin không tốt, định giá doanh nghiệp Nhà nước không minh bạch.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM cho rằng, để thu hút cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cần thay đổi tư duy để đưa ra các phương thức dưới góc nhìn của nhà đầu tư, thay vì nhà quản lý.

"Quản lý Nhà nước thường quan tâm giữ cái gì đó sẽ hay hơn là bán, vì bán là mất nhiều thứ, còn giữ là không mất gì. Nhưng nhà đầu tư nhìn nhận bán không có nghĩa là mất, mà chuyển từ tài sản này sang tài sản kia, là cơ cấu lại danh mục tài sản. Nhà đầu tư mua đống tài sản sinh lời trong tương lai chứ không phải mua đống tài sản hiện có. Do vậy, cần thay đổi tư duy, minh bạch thông tin để thỏa mãn nhà đầu tư"- ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.