Vì sao càng đào tạo thì lượng người thất nghiệp lại càng cao?

ANTD.VN - Đó là trăn trở của ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi đề cập tới chất lượng giáo dục - một trong các nhóm vấn đề sẽ được Quốc hội đưa ra chất vấn bắt đầu từ sáng mai (15-11).

PV: Ông đánh giá thế nào về các nhóm vấn đề được Quốc hội đưa ra chất vấn tại kỳ họp này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi cho việc rút gọn 4 lĩnh vực đưa ra chất vấn tại kỳ họp này là rất đúng đắn, thể hiện sự dân chủ trong Quốc hội, đảm bảo sự lựa chọn hết sức khách quan của các ĐBQH và cũng là những vấn đề diễn ra hàng ngày mà dư luận và nhân dân đang rất quan tâm. Việc lựa chọn các Bộ được chất vấn lần này theo tôi là phù hợp. 

- Nếu tham gia chất vấn, ông sẽ đề cập tới vấn đề nào? 

- Theo tôi có mấy việc, thứ nhất liên quan tới ngành Công thương, phải làm sao tập trung xử lý các công trình trọng điểm Nhà nước, đầu tư nhiều mà hiệu quả thấp. Xử lý với tinh thần làm sao hệ thống các doanh nghiệp của chúng ta tốt lên và đầu tư phải có hiệu quả. 

Về lĩnh vực tài nguyên môi trường, có quá nhiều tình trạng ô nhiễm môi trường và chúng ta phải quay lại ý kiến của Thủ tướng Chính phủ rằng phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường. Đồng thời phải ý thức được rằng môi trường chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế. 

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi băn khoăn với thực trạng lượng lớn sinh viên ra trường thất nghiệp

Theo tôi không chỉ chúng ta chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường mà các Bộ liên quan cũng phải có trách nhiệm trả lời. Ngoài ra, phải làm sao truyền tải tới các địa phương, tới cử tri rằng họ cũng phải có trách nhiệm với môi trường, chứ nếu chúng ta cứ đổ thải ra môi trường rồi dồn hết trách nhiệm lên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường thì không được. 

Riêng về giáo dục, đây là lĩnh vực tôi sẽ đăng ký chất vấn. Tôi quan tâm việc quy mô đào tạo thì rất lớn nhưng cơ cấu và chất lượng đào tạo lại không đáp ứng thị trường lao động. Tỷ lệ ở ta hiện là 1 Đại học - 1,3 Trung cấp - 0,9 Công nhân kỹ thuật. Đây là tỷ lệ cực kỳ bất hợp lý. Ở các nước tiên tiến, tỷ lệ này là 1 Đại học – 4 Trung cấp – 10 công nhân kỹ thuật. Nghĩa là ở họ thợ nhiều hơn thầy, còn mình thì thầy nhiều hơn thợ, càng đào tạo thì tỷ lệ người được đào tạo thất nghiệp và thiếu việc làm càng lớn. Cụ thể, Cao đẳng chuyên nghiệp tỷ lệ thất nghiệp là 9% trong tổng số người tốt nghiệp; tỷ lệ này ở Cao đẳng nghề là 6%, Đại học là 4%, tức là có 91.000 người ra trường không có việc làm.

- Thực tế, còn tình trạng một số bộ ngành giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri mới chỉ đảm bảo về số lượng chứ chưa đạt về chất lượng, nhiều vấn đề trả lời còn chung chung và xử lý chậm, thưa ông?

- Theo tôi có hai lý do, thứ nhất với các vụ việc cụ thể phải có thời gian và theo quy trình của pháp luật. Nếu đòi hỏi Bộ trưởng giải quyết ngay thì khó được. Thứ hai, có nhiều bộ ngành chưa tích cực giải quyết, ở trên Bộ trưởng chỉ đạo nhưng cơ quan chức năng phía dưới thì chưa tích cực. Việc này phải khắc phục. Thứ ba, các đơn thư khiếu nại của công dân thì liên quan tới nhiều Bộ, ngành mà chưa có Bộ nào đứng ra chủ trì để tập trung phối hợp giải quyết. 

- Theo ông, giải pháp nào giải quyết tình trạng này?

- Trách nhiệm của bộ ngành thuộc lĩnh vực của anh thì anh phải tập trung tìm biện pháp xử lý. Chưa bàn đến việc giải quyết được hay không được mà trước tiên anh có làm hay không, trách nhiệm của anh là phải xử lý. Được hay không được phải trả lời cho cử tri biết. Tất cả những vấn đề này phải công khai, minh bạch. Nếu vướng mắc chỗ nào phải phối hợp với các bộ ngành liên quan để giải quyết. 

Tôi cho rằng không nên “ngâm” đơn thư khiếu nại của người dân và cũng không nên chuyển vòng vo. Kinh nghiệm từ Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội – nơi tôi đang làm việc, là có những vấn đề Ủy ban phải đứng ra làm trung gian, mời các bộ ngành xử lý, thậm chí đi địa phương lắng nghe ý kiến cử tri để đề nghị bộ ngành xử lý. 

Tôi ví dụ như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều vụ việc liên quan đến chính sách người có công, thương binh, gia đình liệt sỹ… khi chúng tôi xem xét thấy rằng điều đó đúng với quy định pháp luật thì kiến nghị bộ ngành xử lý. Tôi nghĩ việc này không phải mình bộ ngành, mà các ĐBQH cũng phải có trách nhiệm. Dù không có chức năng giải quyết đơn thư nhưng ĐBQH có chức năng rất quan trọng là giám sát, kiến nghị, đôn đốc và đề xuất giải pháp.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.