Vì sao các nhà máy xử lý nước thải ở Hoài Đức chưa thể hoàn thành?

ANTD.VN - Theo đại diện chủ đầu tư, nếu không phát sinh vấn đề mới thì cuối năm nay, nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động sau gần chục năm thi công.

Đặt vấn đề tại phiên giải trình về tình hình thực hiện Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND của HĐND TP về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri; kết quả thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố do Thường trực HĐND TP tổ chức sáng nay, 5/6, đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (tổ Hoàng Mai) nêu câu hỏi, từ năm 2015, cử tri huyện Hoài Đức đề nghị UBND chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng và tại xã Vân Canh để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Nhưng sau 5 năm thi công, trạm xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng vẫn chưa đi vào hoạt động và sử dụng, trạm xử lý tại xã Vân Canh chưa khởi công, đề nghị Giám đốc Ban quản lý cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội và Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới.

Vệc thu gom xử lý nước thải rất cấp bách nhưng nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng qua gần 7 năm vẫn chưa thể hoạt động

Trả lời vấn đề này, đại diện Ban quản lý cấp thoát nước và môi trường TP Hà Nội, Ban QLDA là chủ đầu tư được giao triển khai thực hiện dự án cho biết, dự án xử lý nước thải làng nghề tại xã Sơn Đồng, TP Hà Nội phê duyệt từ tháng 8/2013, trong đó giao Sở TN&MT Nội là chủ đầu tư, với công suất 8.000m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 231 tỷ đồng.

Dự án đã được tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công các gói thầu xây lắp từ quý IV-2015, đến ngày 13/2/2017, dự án được giao cho Ban QLDA cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tại thời điểm đó, công trình đã đạt khối lượng giải ngân khoảng 30%, Ban đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thi công. Đến nay, trong 4 gói thầu, đã hoàn thành 3 gói thầu, còn 1 gói thầu đạt 95% khối lượng, các phần nhà máy đang vận hành thử từ tháng 12/2018.

Tuy nhiên dự án hiện bị chậm tiến độ. Có 4 nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thứ nhất, trong quá trình triển khai thi công xây lắp, nhiều hạng mục phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp hiện trạng, bổ sung thiết kế chi tiết, đảm bảo điều kiện thi công và bàn giao công trình như bổ sung hệ thống chống sét, đề án xả thải…

Thứ hai, dự án được phê duyệt năm 2013 trước khi có Nghị định 40/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ có hiệu lực, theo đó, để đủ điều kiện bàn giao công trình cần thiết phải bổ sung hạng mục trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục vào dự án.

Thứ ba, dự án còn một phần chưa triển khai thi công được do vướng vào đất của người dân. Thứ tư, dự án được chuyển đổi qua nhiều chủ đầu tư, do công tác phối hợp triển khai giữa các đơn vị, tập hợp hồ sơ pháp lý, quản lý chất lượng công trình còn chưa đồng bộ nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

“Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ xuất phát từ trách nhiệm của chủ đầu tư và  các nhà thầu khi chưa thực hiện quyết liệt trong triển khai, thiết kế còn nhiều thiếu sót dẫn đến phải chỉnh sửa”- Ban QLDA cấp nước, thoát nước và môi trường cho hay. Cũng theo lãnh đạo Ban này, cuối năm 2020, công trình nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng sẽ hoàn thiện nếu không có phát sinh ngoài ý muốn.

Nhà máy nước thải Vân Canh chưa có nhà đầu tư tham gia

Còn về nhà máy xử lý nước thải Vân Canh, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền giải trình, TP Hà Nội đã có chỉ đạo và định hướng theo hướng thu hút xã hội hóa đầu tư, cũng có nhà đầu tư có nguyện vọng đăng ký triển khai thực hiện nhưng trong quá trình nghiên cứu dự án, các nhà đầu tư chưa được mặn mà. Dự án có suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu nên chưa hấp dẫn được nhà đầu tư.

“Do nhu cầu bức xúc về xử lý nước thải tại khu vực, chúng tôi cũng mong muốn phối hợp với UBND huyện Hoài Đức rà soát, đánh giá lại toàn bộ dự án, kiến nghị với UBND TP cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách”- ông Quyền cho hay.