Vì sao các ngân hàng đua tăng lãi suất huy động?

ANTD.VN - Không chỉ các ngân hàng nhỏ, nhiều ngân hàng tầm ớn cũng điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Đây chỉ là giải pháp cục bộ hay sẽ trở thành xu hướng chung và liệu có ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay?

Đồng loạt tăng

Theo biểu lãi suất mới nhất, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đã tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 8 - 11 tháng đã được nâng từ mức 7,2 - 7,4% trước đó lên đồng loạt 7,8%/năm. Kỳ hạn 12 – 13 tháng là 8%/năm; 15 tháng là 8,3%/năm; 18 tháng là 8,5%/năm.

Đặc biệt, các mức gửi có kỳ hạn từ 24 tháng trở lên đều tăng lên 8,6%/năm, tăng 0,1% so với trước đó và cũng là mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay.

Techcombank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất ở một số kỳ hạn dài với số tiền gửi lớn. Chẳng hạn, với sản phẩm Tiết kiệm Phát lộc, ngân hàng này đã nâng lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng lên mức 6,7%/năm với khoản tiền gửi 1-3 tỷ đồng và 6,8%/năm với khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng. Trước đó, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất áp dụng cho gói tiết kiệm này chỉ là 6,5%/năm.

Không chỉ ở khối ngân hàng tư nhân, một số ngân hàng thương mại Nhà nước cũng điều chỉnh lãi suất huy động. Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng thêm 0,2%, lên mức 4,3%/năm. Kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,1% lên 5,3%/năm. Kỳ hạn 364 ngày từ 6,6% lên 6,8%/ năm. Kỳ hạn 13 tháng tăng từ 6,7 lên 6,8%/năm.

Tại Vietinbank, ngân hàng này lại điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn ngắn, giảm đối với kỳ hạn dài. Cụ thể, kỳ hạn 1-3 tháng tăng từ 4,1% lên 4,3%/năm. Kỳ hạn 4 tháng đến dưới 5 tháng từ 4,6% lên 4,8%/năm; kỳ hạn từ 7 tháng đến dưới 9 tháng từ 5,1% lên 5,3%/năm...

Việc một số ngân hàng tăng lãi suất huy động thời gian gần đây là do yếu tố mùa vụ

Trong khi đó, kỳ hạn 12 đến dưới 18 tháng giảm từ 6,8% xuống còn 6,6%; kỳ hạn 18 đến dưới 24 tháng từ 6,8%/năm xuống còn 6.7%/năm; kỳ hạn 24 đến dưới 36 tháng từ 6,9% xuống 6,8%/năm...

Lãi suất cho vay có tăng?

Theo các chuyên gia, việc một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động thời gian gần đây xuất phát từ nhiều yếu tố. Chuyên gia Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng trong 7 tháng qua, tín dụng đã tăng trưởng khoảng 8%,  nhanh hơn so với huy động vốn (khoảng 6%). Do vậy, dễ hiểu khi một số ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn để theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Cùng với đó, thời điểm này các ngân hàng cũng đang phải chuẩn bị nguồn vốn để phục vụ nhu cầu vốn tăng cao vào dịp cuối năm.

Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06, từ ngày 1/1/2019, các ngân hàng chỉ đượcc phép sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (thay vì 45% như hiện nay) nên nhu cầu vốn trung và dài hạn sẽ cao hơn, buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất ở các kỳ hạn này.

Có cùng nhận định, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc lãi suất huy động tăng những ngày gần đây có tính chất mùa vụ, không phải lâu dài. Vị chuyên gia cho rằng từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động còn có thể tiếp tục tăng ở kỳ hạn trung và dài hạn.

Ngoài nhu cầu vốn cuối năm, tác động của Thông tư 06, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, yếu tố tỷ giá cũng đang gây áp lực lên lãi suất. Cụ thể, với tỷ giá tăng như hiện nay và việc Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất USD thì lãi suất VND phải ở mức tương đối cao để duy trì chênh lệch lãi suất với USD và VND. Vì nếu tỷ giá tăng mà lãi suất huy động không hấp dẫn, người dân có thể rút tiền đồng và mua vào USD.

Về lãi suất cho vay, các chuyên gia đều đồng tình cho rằng khả năng tăng là rất ít vì thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang khá tốt, đồng thời Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đang rất quyết tâm trong việc giảm lãi suất. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất sẽ là rất khó khăn, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm có thể sẽ tiếp tục duy trì ổn định.