Vì sao các ngân hàng “chùn tay” trước các dự án BOT?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian cho vay dài, năng lực chủ đầu tư hạn chế, nhiều dự án “vỡ” phương án tài chính, không có khả năng trả nợ... khiến các ngân hàng đang “chùn tay” khi cho vay các dự án BOT.

Gánh nặng tín dụng đặt lên vai các ngân hàng

Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, thống kê sơ bộ và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các dự án BOT có 5 nguồn vốn chủ yếu sau: Vốn tự có – chiếm khoảng 15-20% (càng nhiều càng tốt); Vốn vay ngân hàng, gồm cả ngân hàng phát triển và ngân hàng thương mại (NHTM) – chiếm khoảng 40-50%; Vốn phát hành trái phiếu - khoảng 20-25%; và nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế (gồm cả vốn ODA, nếu có) và từ các quỹ đầu tư – chiếm khoảng 10-15%.

Theo vị chuyên gia, để có được dự án đầu tư lớn, chúng ta cần phải nghĩ đến cấu trúc vốn đa dạng như thế này sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp BOT của chúng ta vốn tự có gần như không đáng kể, vẫn chủ yếu là vốn từ ngân hàng.

Trong khi đó, thời gian qua cho vay BOT tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến Ngân hàng Nhà nước phải thiết giảm, tốc độ tăng trưởng tín dụng các dự án BT, BOT đang giảm dần. Cụ thể: Năm 2016 tăng 30,4%; năm 2017 tăng 13,8%; năm 2018 tăng 5,3% ; năm 2019 tăng 3,2% và năm 2020 giảm 1,8%.

Tính đến tháng 6/2021,dư nợ các dự án BT, BOTgiảm 1,6% so với cuối năm 2020, theo NHNN báo cáo, ước tính dư nợ cho vay BT, BOT khoảng 105.000 tỷ đồng, tương đương 1,1% tổng dư nợ của hệ thống tổ chức tín dụng. Theo TS Cấn Văn Lực, đây là con số rất nhỏ bé, dù vậy, trong số này cũng rất nhiều nợ xấu.

Về lý do các dự án đường bộ khó khăn về vốn thì rất nhiều, tuy nhiên, theo vị chuyên gia lý do chính là do Ngân hàng Phát triển chưa thể hiện được vai trò tài trợ chính trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Trong khi đó, các NHTM lại không mặn mà với việc cho vay các dự án hạ tầng giao thông bởi chất lượng tín dụng lĩnh vực này gặp nhiều vấn đề.

Ngành ngân hàng đang rất thận trọng với tín dụng BOT

Ngành ngân hàng đang rất thận trọng với tín dụng BOT

Nói thêm về thực trạng tín dụng các dự án BOT giao thông, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tính đến 30/6/2021, lượng tín dụng của các ngân hàng đối với các dự án BOT giao thông là 105.000 tỷ đồng, trong đó tập trung lớn nhất chỉ có hai ngân hàng gồm BIDV và Vietinbank.

Tuy nhiên, việc cho vay đang gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc do rủi ro trong cho vay các dự án BOT giao thông khá lớn. Nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn trong khi các dự án BOT giao thông có thời gian thu hồi vốn dài hạn chủ yếu từ 10-20 năm, có những dự án trên 20 năm. Đồng thời, năng lực nhà đầu tư tham gia đầu tư còn hạn chế, chưa có khả năng hỗ trợ dự án trong trường hợp có biến động trái chiều.

Chính vì vậy, việc thu hồi nợ vay gặp khó khăn, ảnh hưởng chất lượng tín dụng. Đến quý 2/2021, tỷ lệ nợ xấu đối với BOT giao thông tăng gấp 4 lần so với tỷ lệ nợ xấu chung của nền kinh tế.

Ngân hàng “chùn tay”

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, hiện nay có khoảng 50% số lượng các dự án do các tổ chức tín dụng tài trợ vốn có doanh thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu, khả năng mà phát sinh nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

“Khi xem xét nguyên nhân của hiện tượng này chúng tôi thấy rằng nó có một số nguyên nhân nhân sau: do quy hoạch tổng thể không phát triển như mong muốn; lưu lượng xe ít hơn vì xuất hiện những tuyến đường song hành; nhiều dự án chưa được thu phí hoặc phải dừng thu phí; bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” – ông Bắc nói.

Việc phải đối mặt và nếm trải rủi ro cao trong cho vay BOT giao thông trong thời qua đã khiến nhiều tổ chức tín dụng rất thận trọng trong việc cho vay dự án mới (từ 2016 đến nay chủ yếu giải ngân đối với các dự án đã cam kết trước đây).

Về phía NHTM, ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban Tài trợ Dự án - Ngân hàng BIDV cho biết tính đến thời điểm hiện nay BIDV đã tài trợ vốn cho 33 dự án hạ tầng giao thông với tổng dư nợ xấp xỉ 26.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 25% vốn của ngành ngân hàng trong lĩnh vực BOT. Trong đó, ngân hàng tập trung cho vay vào giai đoạn 2011-2015. Từ 2016 đến nay thì BIDV thận trọng hơn và chỉ cho vay 2 dự án.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, các dự án BOT giao thông cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn vướng mắc, cả các vấn đề liên quan đến chính sách dẫn đến nhiều dự án này không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đạt theo dự kiến hợp đồng, gặp khó khăn trong việc trả nợ, đặc biệt là có nhiều dự án là không có nguồn thu để trả nợ vay.

Vì vậy, theo đánh giá của đại diện BIDV, đối với các ngân hàng đang tài trợ vốn khi cân đối rủi ro và giữa lợi ích, việc cho vay lĩnh vực BOT đến nay chưa đem lại lợi ích tương xứng, trong khi rủi ro thì thường xuyên hiện hữu.

Thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều văn bản kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét xử lý các khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được tháo gỡ, xử lý một cách thỏa đáng.

“Khó khăn đang dồn hết gánh nặng lên vai các nhà đầu tư, các ngân hàng tài trợ vốn. Chúng tôi hơi nhụt chí trong vấn đề xem xét tham gia vào các dự án BOT giao thông tới đây” – ông Nguyễn Quốc Hưng nói.