Vì sao Ấn Độ trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới?

ANTĐ - Thông tin được đăng tải trên Tờ DW (Đức), số ra mới đây cho hay, Ấn Độ hiện đang là nhà nhập khẩu vũ khí đứng đầu thế giới với mức nhập khẩu giai đoạn 2010 - 2014  tăng 140% so với 5 năm trước đó. Nhiều người lo ngại rằng, Ấn Độ sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Nhập khẩu vũ khí tăng 140% 

Tờ DW trích dẫn số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế (SIPRI) cho biết, khối lượng vũ khí mà Ấn Độ nhập khẩu trong giai đoạn 2010 - 2014 đã cao hơn so với khoảng thời gian 5 năm trước đó là 140%. Điều này khiến Ấn Độ trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong thời gian này.

Số lượng vũ khí mà Ấn Độ nhập khẩu chiếm gần 15% tổng số vũ khí nhập khẩu trên toàn cầu, nhiều hơn 3 lần so với Trung Quốc (số lượng vũ khí mà Trung Quốc nhập khẩu giai đoạn 2010 – 2014 giảm 42% so với giai đoạn 2005 - 2009). Hơn ½ số vũ khí mà Ấn Độ nhập khẩu là máy bay, tiếp theo là tàu (16,5 %) và tên lửa (8,9 %). Dựa trên bản hợp đồng hiện tại và tình hình thực tế, các chuyên gia dự đoán rằng, Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục là quốc gia nhập khẩu vũ khí đứng thứ hai thế giới (sau Saudi Arabia) trong năm 2015 - 2016.

Theo thống kê của SIPRI, Đức và Pháp không phải là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ. Trong 5 năm qua, vũ khí có nguồn gốc từ Nga chiếm gần 70% tổng số vũ khí mà Ấn Độ nhập khẩu, tiếp theo đó là Mỹ (12%), Israel (7,3%), Pháp (1,2%) và Đức (0,7%). Nga đã giao cho Ấn Độ một tàu sân bay Gorshkov vào năm 2013, một tàu ngầm hạt nhân Akula-2 vào năm 2012, 3 tàu khu trục Talwar trong năm 2012-2013, 33 máy bay chiến đấu MiG-29K, 105 máy bay chiến đấu Su-30MKI trong giai đoạn 2010-2014 và 114 máy bay trực thăng Mi-17V5 trong giai đoạn 2011-2014.

Khởi động một cuộc chạy đua vũ trang  

Gauri Khandekar, chuyên gia nghiên cứu quân sự châu Á cho rằng, “Chính phủ Ấn Độ đang đẩy mạnh cải cách quân sự. Điểm mấu chốt trong kế hoạch này là phối hợp với đối tác nước ngoài để sản xuất vũ khí và xe quân sự. “Make in India” - hãy sản xuất ở Ấn Độ là kế hoạch biến Ấn Độ trở thành một nước sản xuất vũ khí”, ông Gauri Khandekar nói.

Một luồng ý kiến khác xoay quanh việc Ấn Độ trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới là Ấn Độ nằm trong “khu vực khó khăn”. Theo đó, có thế Ấn Độ lo ngại những mối đe dọa an ninh từ các nước láng giềng. Ấn Độ có chung đường biên giới dài và tranh chấp với Trung Quốc - một quốc gia được coi là mạnh mẽ hơn cả về kinh tế, quân sự so với Ấn Độ... Trong hoàn cảnh đó, Ấn Độ thấy cần phải xây dựng và hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Vì sao Ấn Độ trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới? ảnh 1

Ấn Độ tự sản xuất được nhiều loại thiết bị quân sự, nhưng vẫn thường xuyên nhập khẩu vũ khí từ các nước khác nhau

 “Khoảng cách ngày càng tăng với Trung Quốc và sự tồn tại của những mối đe dọa truyền thống, phi truyền thống là lý do của sự việc này”, Amit Cowshish, một cựu cố vấn tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ thẳng thắn chia sẻ. Ông Cowshish cho biết thêm, “ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ, cả trong khu vực nhà nước và tư nhân không thể đáp ứng được đòi hỏi của tình hình. Nhu cầu nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ tăng cao và chúng tôi trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn trong những năm gần đây”.

Nhà phân tích quân sự Khandekar nói với DW rằng, vũ khí hiện đại mà New Delhi mua để tạo thế cân bằng với các đối thủ. Có thể, Ấn Độ muốn khẳng định sức mạnh của mình trong khu vực và góp phần đảm bảo an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại rằng, hoạt động của Ấn Độ sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Được biết, Trung Quốc đã gia tăng chi tiêu quốc phòng cho phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP, làm thay đổi căn bản cán cân quân sự trong khu vực. Trung Quốc hiện đã vượt Đức trở thành nhà sản xuất vũ khí lớn thứ ba trên thế giới, cung cấp vũ khí cho 35 quốc gia, phần lớn là Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Tốc độ xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng 143% trong 5 năm qua.