Vì sao Aldrich Ames nằm trong danh sách 10 điệp viên nổi tiếng nhất thế giới?

ANTD.VN - Không phải ngẫu nhiên trang tin WondersList của Mỹ mới đây xếp Aldrich Ames đứng thứ 4 trong danh sách 10 điệp viên nổi tiếng nhất thế giới. Ông này được nhắc đến như một điệp viên đắt giá nhất hành tinh, từng gây hậu quả rất nặng nề cho ngành tình báo Mỹ. 

Ngày 21-2-1994, Aldrich Hazen Ames bị FBI bắt ở Arlington, Virginia, Mỹ về tội hoạt động gián điệp. Vụ bắt giữ kết thúc sự nghiệp 31 năm công tác của nhân viên đặc biệt Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và gần một thập kỷ cộng tác với tình báo Liên Xô, tình báo Nga (KGB).

Vì sao Aldrich Ames nằm trong danh sách 10 điệp viên nổi tiếng nhất thế giới? ảnh 1Aldrich Hazen Ames bị bắt giữ tại nhà riêng ở Arlington, Virginia, Mỹ

Năng khiếu tình báo của cậu học sinh trung học

Aldrich Ames sinh 26-5-1941 tại River Falls, Wisconsin, trong một gia đình có 3 anh chị em. Ông Carleton Cecil Ames, cha của Ames là một giảng viên cao đẳng, còn mẹ ông, bà Rachel Ames là một giáo viên tiếng Anh trung học phổ thông. Ames từng theo học trường trung học McLean High School ở McLean, Virginia. Có lẽ được thừa hưởng vốn kiến thức của cha mẹ, Ames có thành tích học tập rất tốt, nhất là các môn ngôn ngữ và xã hội học. 

Bắt đầu từ năm 1957, tiếp sau năm thứ hai trung học, Ames đã được CIA tuyển dụng làm việc trong 3 mùa hè trong vai trò nhân viên phân tích hồ sơ sơ cấp. Năm 1960, Ames tiếp tục làm việc cho CIA như một người lao động hợp đồng phổ thông kiêm thợ sơn. 

Sau đó, Ames trở thành trợ lý giám đốc kỹ thuật ở một nhà hát tại Chicago cho đến tháng 2-1962. Ames quay trở lại   Washington, lúc này sẵn có mối quan hệ từ công việc trước đó, Ames được CIA thuê toàn thời gian. Như định mệnh sắp đặt trước, CIA giao cho Ames làm công việc văn phòng mà ông đã làm thời trung học.

Nấc thang danh vọng 

Thời gian này, Ames đã hoàn thành bằng cử nhân lịch sử ở Đại học George Washington. Ban đầu Ames không định tạo dựng sự nghiệp với CIA, nhưng sau khi đạt được mức lương   GS-7 (mức trung bình khá trong thang lương bổng 15 bậc của Mỹ) và nhận được những đánh giá tốt, Ames đã được chấp thuận cho tham gia Chương trình Huấn luyện nghiệp vụ bất chấp một vài vụ va chạm với cảnh sát có liên quan đến rượu.

Năm 1969, Ames đã làm đám cưới với đồng nghiệp, đặc vụ Nancy Segebarth, hai người gặp nhau tại Chương trình Huấn luyện nghiệp vụ. Khi Ames được điều đến Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, Nancy đã rút khỏi CIA do đạo luật cấm các cặp vợ chồng làm tại cùng một văn phòng.

Nhiệm vụ của Ames tại Thổ Nhĩ Kỳ là tuyển dụng những nhân viên tình báo Xô Viết và ông đã thành công trong việc cài gián điệp vào tổ chức cộng sản DEV-GENÇ thông qua một người bạn cùng phòng. Tuy nhiên, những thành tích này chỉ được CIA đánh giá ở mức “thỏa đáng”. Ames thất vọng với nhận xét này và đã cân nhắc tới việc rời khỏi CIA.

Năm 1972, Ames quay lại trụ sở CIA và làm việc 4 năm tiếp theo trong Đơn vị Xô Viết- Đông Âu. Ở đây, Ames như tìm thấy chính mình, ông luôn hăng hái và đạt nhiều thành tích. CIA đánh giá Ames giỏi quản lý công việc bàn giấy và lên kế hoạch hơn là tuyển dụng mật vụ.

Ông trùm quản lý điệp viên hai mang

Chức vụ lớn nhất Aldrich Ames từng đảm nhiệm tại CIA: trưởng Phân cục phản gián, Trưởng phòng Xô Viết - Phân cục phản gián đối ngoại CIA. Với vị trí của mình, Ames được CIA trao cho quản lý mạng lưới gồm các nhân vật sừng sỏ của KGB.

Một trong những nhân vật đầu tiên Ames quản lý là Alexander Ogorodnik, biệt danh “Trigon”, nhân viên Cục theo dõi Mỹ thuộc Tổng cục Hoạch định chính sách nước ngoài của Bộ Ngoại giao Liên Xô. Ogorodnik được cử sang làm việc tại ĐSQ Liên Xô ở Bogota, Colombia. Tại đây, Ogorodnik đã bị Cơ quan tình báo quốc gia Colombia gài bẫy và bị ép phản lại tổ quốc, chấp nhận làm gián điệp cho Mỹ. Khi bị KGB phát hiện, Trigon đã tự sát ngay sau khi bị bắt giữ. Chính Ames đã chuyển cho Ogorodnhik ống thuốc độc cài vào trong một chiếc bút máy.

Sau đó, Ames được giao phụ trách Xergey Fedorenko, chuyên gia về vũ khí hạt nhân trong thành phần đoàn đại biểu Liên Xô tại Liên hợp quốc. Sau này Ames cho biết, chính         Fedorenko đã cung cấp cho CIA những thông tin tuyệt mật và hết sức chi tiết về tên lửa có điều khiển và những vụ thử nghiệm chúng.

Đầu năm 1978, Ames lại được giao một nhiệm vụ quan trọng khác, phụ trách liên lạc, giao nhiệm vụ, nhận tài liệu từ một nhân vật Xô Viết có tầm quan trọng - Phó tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô Arkadi Shevchenko, ông này đến thời điểm đó đã có thâm niên 2 năm làm gián điệp cho Mỹ.

Gây thiệt hại lớn nhất, thu nhập “khủng”

Sau này, chính Ames lại trở thành tình báo hai mang. Gần 1 thập kỷ tính từ thời điểm được KGB tuyển mộ năm 1985, Aldrich Ames đã cung cấp cho KGB danh sách không ít hơn 25 công dân Liên Xô đang làm việc hai mang cho cả KGB và CIA. Hơn 10 điệp viên trong số đó đã bị Tòa án Liên Xô kết án tử hình và vì thế tại Mỹ, Ames còn có biệt danh là “sát thủ hàng loạt”.

Vụ phát hiện và bắt giữ Aldrich Ames năm 1994 đã làm chấn động cả nước Mỹ, nước Nga và làm Giám đốc CIA bị cách chức.

Trong 9 năm cộng tác với KGB, Ames đã khai báo thu nhập hàng năm là 60.000 USD nhưng số chi trong tài khoản thẻ tín dụng của ông ta lên đến 30.000 USD/tháng. Khoản tiền này cho phép Ames có một cuộc sống dư dả với một chiếc xe Jaguar mới và một ngôi nhà trị giá 540.000 USD, tương đương với 1 triệu USD thời điểm hiện nay, được trả bằng tiền mặt. Chỉ riêng hóa đơn tiền điện thoại mỗi tháng của nhà ông ta đã lên đến 6.000 USD - tức hơn cả số tiền lương mà ông ta nhận được mỗi tháng.

Sau khi bị bắt giữ, phía Mỹ cáo buộc Ames đã nhận tổng cộng hơn 2,5 triệu USD từ Nga, còn theo thông tin do KGB cung cấp thì con số này là 4,6 triệu USD.

Vì sao Aldrich Ames nằm trong danh sách 10 điệp viên nổi tiếng nhất thế giới? ảnh 2Đoạn mã tìm thấy trong thùng rác nhà Aldrich Hazen Ames

Bị lộ bởi đoạn mã trong thùng rác

Thiệt hại quá lớn từ mạng điệp viên ngầm của Mỹ tại cơ quan tình báo Liên Xô KGB cùng với biểu hiện chi tiêu phóng túng đã biến Aldrich Ames thành nghi can số 1 của CIA. Do không có thẩm quyền bắt người, CIA bàn giao những nghi ngờ cho FBI. Một nhóm bao gồm 8 điệp viên và hàng chục chuyên gia kỹ thuật khác do đặc vụ Robert M. Bryant và bà Leslie G. Wiser Jr., một cựu luật sư và là người đứng đầu một đội phản gián của FBI điều hành, do thám Ames. Hàng chục thiết bị nghe lén được nhóm này triển khai. 

Từ vườn nhà, trần nhà, phòng làm việc và ngay cả trên xe “Jaguar” của Ames cũng được cài thiết bị. Các điệp viên đã phát hiện những đoạn hội thoại cho thấy Ames chuẩn bị chuyển một gói hàng cho người Nga.

Ngay lập tức các câu hỏi được đặt ra cho các nhà điều tra. Ai là người nhận tài liệu từ Ames, tài liệu chứa đựng gì, thời gian, địa điểm giao nhận? Hơn nữa một yêu cầu lớn đặt ra, cần phải có chứng cứ để bắt giữ Ames. Vậy chứng cứ ở đâu?

Bryant đề xuất một biện pháp khá cơ bản, tìm kiếm thùng rác nhà Ames. Ngày 15-9-1993, khi Ames tới Thổ Nhĩ Kỳ công tác, một chiếc xe tải màu đen nhẹ nhàng tới khu vực nhà ông ta, lấy đi thùng rác và thay thế bằng 1 chiếc khác giống hệt.

Trong thùng rác, các điệp viên đã thu được những mảnh vụn của một tờ giấy màu vàng đã được cắt nhỏ. Khi ghép gần như toàn bộ những mảnh giấy vụn lại, nhóm điều tra đã đọc được thông điệp trên mảnh giấy: “Tôi đã sẵn sàng gặp tại địa điểm B vào ngày 1-10. Tôi không thể đọc được tài liệu từ ngày 13 đến 19-9. Nếu ông sẵn lòng gặp tại B vào ngày 1-10, hãy gửi tín hiệu North “w” vào ngày 20-9 để xác nhận. Nếu không thể gặp vào ngày 1-10 thì để lại tín hiệu North tại Pipe sau ngày 27-9”.

Theo giải mã của các điệp viên, B trong tin nhắn là Bogota, Colombia, nơi Ames hẹn gặp người nhận tài liệu. Còn Pipe là địa điểm mà ông ta có thể để lại tin nhắn và nhận tiền. Bản chụp đen trắng mẩu tin nhắn sau đó đã được gửi lên cho Giám đốc FBI xem xét. Quyết định bắt Ames được đưa ra trước khi ông ta thực hiện cuộc gặp này.

Ngày 28-4-1994, Ames nhận tội làm gián điệp cho Liên Xô và bị kết án tù chung thân. Hiện Ames đang thụ án trong hệ thống nhà tù Liên bang Mỹ. Căn cứ vào thỏa thuận án của Ames, tòa án Mỹ đã tịch thu tài sản và 547.000 USD chuyển cho Quỹ Hỗ trợ nạn nhân của Bộ Tư pháp Mỹ.