Vì sao 3 "ông lớn" Viettel, VinaPhone, MobiFone chiếm đến 96,2% thị phần viễn thông?

ANTD.VN - Thị trường viễn thông Việt Nam được cho là đã bão hòa, thiếu cạnh tranh khi nhiều năm liền, 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone chiếm hơn 90% thị phần.

3 nhà mạng lớn nhiều năm liền chiếm hơn 90% thị phần viễn thông

Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết, năm 2019, các doanh nghiệp viễn thông đạt tổng doanh thu gần 470 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 20,5 tỷ USD), tăng 18,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn ngành nộp ngân sách 47.000 tỷ đồng, tăng 36,7%. Số thuê bao băng rộng tăng đều, chất lượng dịch vụ liên tục được cải thiện.

Tuy nhiên, đại diện Cục Viễn thông cho rằng, thị trường viễn thông truyền thống Việt Nam hiện đã bước vào giai đoạn bão hoà, thiếu cạnh tranh. Cụ thể, tỷ trọng doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống chỉ chiếm 28,5 % doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông và đang giảm dần qua các năm. 

Số thuê bao điện thoại di động năm 2019 giảm 3,6%, hiện đạt 125,7 triệu thuê bao. Nguyên nhân chính được cho là bởi thị trường đã bão hoà, cộng với việc Bộ TT-TT mạnh tay trong xử lý SIM rác, tin nhắn rác.  

“Trong nhiều năm liền, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất là: Viettel, Vinaphone, Mobifone luôn chiếm trên 90%, năm 2019 tăng cao nhất lên tới 96,2%. Các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 3,8% thị phần”- lãnh đạo Cục Viễn thông nói.

Theo các chuyên gia, sở dĩ 3 nhà mạng lớn tiếp tục gia tăng thị phần trong năm 2019 là do tác động của việc chuyển mạng giữ số, khiến thuê bao từ các nhà mạng nhỏ hơn đổ về các nhà mạng lớn, có hạ tầng tốt và chính sách chăm sóc khách hàng ưu việt hơn. 

Để tạo cú hích cho thị trường viễn thông nhằm thúc đẩy cạnh tranh, đại diện Cục Viễn thông cho rằng cần tập trung vào các biện pháp như: Nâng cao các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ tối thiểu của Việt Nam lên tương đương với các nước tiên tiến; Đưa các hệ thống đo đạc chất lượng dịch vụ và chất lượng trải nghiệm vào công bố rộng rãi, xử lý căn bản các loại rác viễn thông như: SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Bên cạnh đó, cần nâng chỉ tiêu chuyển mạng giữ nguyên số, tốc độ tối thiểu gói cước, tỷ lệ băng thông kết nối trong nước tối thiểu để tăng cạnh tranh bằng chất lượng; Thực hiện các biện pháp quy hoạch thị trường viễn thông như thúc đẩy cổ phần hoá hoặc khuyến khích doanh nghiệp viễn thông mới có năng lực cạnh tranh tham gia thị trường cũng như triển khai các dịch vụ mới phục vụ chuyển đổi số quốc gia.