Vì sao 17 ngân hàng Việt có thể bị Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm

ANTD.VN - Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s vừa thông báo sẽ xem xét hạ xếp hạng của 17 ngân hàng Việt Nam. Thông báo này được đưa ra sau khi hãng cho biết xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, hiện ở mức Ba3.

Dù vậy, Moody’s cho biết động thái này không nhằm phản ánh sức khỏe tài chính của các ngân hàng này yếu đi. Nó hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ quyết định của Moody’s với tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Cụ thể, 17 ngân hàng có thể chịu ảnh hưởng bao gồm: Ngân hàng An Bình (ABBank), Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng Quân đội (MBBank), Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Trong đó, 4 nhà băng còn bị xem xét hạ Xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) và BCA đã điều chỉnh. 9 ngân hàng bị cân nhắc hạ Đánh giá rủi ro đối tác (CR Assessments) dài hạn.

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng

Theo Moody’s, tín nhiệm quốc gia là yếu tố chính ảnh hưởng đến xếp hạng của Moody’s với các ngân hàng Việt Nam. Do nó sẽ quyết định đánh giá của Moody’s về khả năng Chính phủ hỗ trợ các ngân hàng trong thời kỳ khó khăn. Nếu tín nhiệm quốc gia bị hạ, Chính phủ sẽ khó hỗ trợ các nhà băng, từ đó khiến tín nhiệm một số ngân hàng thấp đi.

Bên cạnh đó, trong trường hợp BCA hoặc tín nhiệm dài hạn của các ngân hàng hiện bằng tín nhiệm quốc gia hoặc đã chạm trần, Moody’s cũng sẽ phải hạ các đánh giá này xuống để đảm bảo tính tương xứng.

Vì thế, tác động của tín nhiệm quốc gia với các nhà băng sẽ khác nhau. Các ngân hàng quốc doanh, gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV sẽ bị đánh giá lại về xếp hạng tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ ngoại tệ và nội tệ, do các nhà băng này đang có cùng mức tín nhiệm với quốc gia.

Với các ngân hàng tư nhân như ACB, MBBank và Techcombank, các xếp hạng bị xem xét lại là BCA, tín nhiệm tiền gửi bằng nội tệ dài hạn và nhà phát hành nợ bằng nội tệ/ngoại tệ, do hiện cùng hạng với quốc gia. Trong khi đó, đánh giá với ABBank, OCB, TPBank, VIB và VP Bank chỉ giới hạn tại xếp hạng tiền gửi bằng ngoại tệ.

Moody’s cho biết họ có thể giữ nguyên xếp hạng của 17 nhà băng trên với triển vọng ổn định, nếu tín nhiệm của Việt Nam cũng được giữ ở Ba3 với triển vọng tương tự. Ngược lại, Moody’s sẽ hạ xếp hạng và đánh giá của các nhà băng này nếu tín nhiệm của Việt Nam đi xuống. 

Trước đó, ngày 9/10, Moody’s đã thông báo về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam (hiện ở mức Ba3).

Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm bắt nguồn từ đánh giá cho rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính Việt Nam đã lên tiếng cho biết các khoản nợ mà Moody's cho rằng Chính phủ Việt Nam chậm thanh toán thật ra là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.

Bộ Tài chính khẳng định việc Moody’s đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. Theo Bộ Tài chính, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Chính phủ chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.