Vì sao 10 năm sau Iran vẫn quyết mua tên lửa phòng không S-300?

ANTĐ - Việc gần 10 năm sau hợp đồng mua sắm đầu tiên được ký kết mà Iran vẫn quyết mua S-300 của Nga đã cho thấy sự coi trọng của Tehran đối với hệ thống tên lửa phòng không này.

Nga chuyển giao S-300 cho Iran

Ngày 20-2, Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới TSAMTO (trụ sở ở Moscow) là ông Igor Korotchenko tuyên bố rằng, Nga bắt đầu chuyển giao cho Iran các hệ thống S-300 theo hợp đồng mới.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, khi thông qua quyết định này, Tổng thống Nga xuất phát từ quan điểm rằng, Nga có quyền cung cấp các hệ thống vũ khí tự vệ cho các đồng minh của mình. Trước đây, Nga đã từng có thời hủy bỏ hợp đồng này vì sức ép của Liên Hợp Quốc và phương Tây.

Vào năm 2007, hai bên đã ký kết hợp đồng về việc cung cấp các hệ thống S-300 cho Iran. Nhưng, đến năm 2010, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 1929, trong đó có điều khoản cấm cung cấp cho Iran các loại vũ khí tấn công hạng nặng.

Sau đó, Tổng thống đương nhiệm khi đó là ông Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh phê duyệt văn kiện quốc tế, và đưa thêm một điều khoản về việc cấm cung cấp cho Iran hệ thống phòng không này, mặc dù đây là một loại vũ khí phòng thủ chứ không phải tấn công.

Trong 5 năm qua, vấn đề S-300 đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ Nga - Iran, làm giảm mức độ tin cậy giữa hai nước, thậm chí có lúc Iran đã kiện Nga ra toàn đòi bồi thường 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, đến bây giờ có thể nói rằng, quyết định đó đã là đúng đắn.

Vào những năm 2010 - 2011, xung quanh Iran đã hình thành tình hình cực kỳ căng thẳng, đó là cuộc đối đầu gay gắt giữa Tehran và cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với Mỹ và Israel về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và kế hoạch phát triển tên lửa của nước này.

Hệ thống phòng không S-300 của Nga được coi là vượt trội so với Patriot của Mỹ

Khi đó, tiềm tàng khả năng Israel và có lẽ cả Hoa Kỳ, sẽ tấn công vào Iran. Trong điều kiện phức tạp như vậy, việc Nga cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-300 có thể làm phức tạp thêm tình hình và xúi giục các đối thủ của Tehran thực hiện những hành động kiên quyết.

Nga sau khi đạt được sự đồng thuận về “Thỏa thuận hạt nhân Iran” vào ngày 2-4-2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký nghị định loại bỏ lệnh cấm cung cấp các tổ hợp S-300 cho Iran.

Đến tháng 6, Trợ lý Tổng thống về hợp tác quân sự-kỹ thuật là ông Vladimir Kozhin tuyên bố rằng, Moscow và Tehran đang chuẩn bị thương thảo một hợp đồng mới về mua bán các hệ thống S-300 “đã được sửa đổi và cải tiến các đặc tính hiệu suất” so với hợp đồng trước đây.

Vì sao gần 10 năm sau Iran vẫn muốn nhận S-300

Chuyên gia Korochenko giải thích thêm rằng, Iran là một đối tác quân sự-chính trị và kinh tế quan trọng của Nga. Tưởng bối cảnh tình hình khu vực Trung Đông và thế giới có nhiều biến động phức tạp, quốc gia này cần đến những hệ thống phòng không đáng tin cậy.

Vị chuyên gia Nga nhấn mạnh, trong chiến tranh hiện đại, cuộc chiến thường bắt đầu với các vụ không kích, sử dụng vũ khí siêu chính xác. Nếu không đối phó được với đòn tấn công phủ đầu này, nước bị tấn công cơ bản là đã bị tê liệt về hệ thống chỉ huy và các cứ điểm quân sự.

Hệ thống S-300 chính là một lá chắn giúp các nước sở hữu nó bảo vệ an toàn cho các cơ sở quan trọng nhất, ví dụ như các trụ sở cơ quan đầu não chính phủ và các các sở chỉ huy quân đội; các thành phố và những trung tâm công nghiệp..., ở giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến.

Hệ thống phòng không S-300 của Nga có tính năng đánh chặn hàng đầu thế giới

Với nhiều loại tên lửa có khoảng cách đánh chặn từ gần, trung bình đến tầm xa; từ tầm thấp đến tầm trung và tầm cao; trong tương lai, Tehran có kế hoạch tạo ra một hệ thống phòng không nhiều tầng, nhiều lớp trên nền tảng các hệ thống S-300, để bảo vệ vững chắc đất nước mình.

Ông Korochenko cho biết, tất nhiên là sự hiện diện của các hệ thống tên lửa phòng không mạnh mẽ như S-300 trên lãnh thổ Iran sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực trong khu vực, bởi hệ thống của Nga vượt trội những loại tên lửa phòng không kiểu Mỹ như Patriot, mà các nước xung quanh Iran đang sở hữu.

Giáo sư khoa Phương Đông học của đại học MGIMO Sergei Druzhilovsky thì cho rằng, Tehran sẽ chỉ dùng S-300 để phòng thủ, chủ yếu để bảo vệ khu vực Bushehr, nơi có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran, vì mối đe dọa tiềm tàng cơ sở này trở thành mục tiêu bị tấn công.

Trong trường hợp bùng nổ một cuộc xung đột và lại một lần nữa có nguy cơ quân sự chống lại Iran thì S-300 sẽ giúp Tehran cảm thấy tự tin hơn. Nước này sẽ sử dụng luận chứng nghiêm túc để chỉ ra rằng, họ có khả năng đáp trả ngay lập tức và hiệu quả các cuộc tấn công.

Đồng thời ông Sergey Druzhilovsky nhắc nhở rằng, Iran cũng sở hữu hệ thống Pantsir-S1 và một số tổ hợp tên lửa-phòng không tiên tiến khác của Nga, tuy năng lực đánh chặn khiêm tốn hơn so với S-300 nhưng chúng sẽ là sự bổ sung quý báu các lớp bảo vệ cho nước này.