Vi phạm về sử dụng tài sản công: Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm liên đới

ANTD.VN -Người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đó là một trong những nội dung quan trọng được nêu ra trong Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày trước Quốc hội sáng 31-10. Cũng theo Tờ trình, với 10 chương (137 điều)  Dự thảo đã luật hóa được những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản, đồng thời tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Quang cảnh phiên họp

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi) quy định các nội dung cơ bản: Quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chế độ quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; Chế độ quản lý, sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước... Đặc biệt, Dự thảo bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch; Bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về tài sản công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm.

Bên cạnh đó, Dự thảo còn chỉ ra hành vi bị cấm, bao gồm: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản công dưới mọi hình thức; Đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật; Sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích  sử dụng của tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao và các hành vi khác không đúng quy định; Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng, chiếm đoạt sử dụng trái phép tài sản công; Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Cũng theo Dự thảo, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công mà gây thiệt hại cho Nhà nước thì phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Nhà nước được thu hồi tài sản công tại cơ quan nhà nước trong các trường hợp: Trụ sở làm việc không sử dụng quá 12 tháng; Tài sản sử dụng không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; sử dụng sai mục đích, cho mượn; Chuyển nhượng, bán, tặng cho, thế chấp, góp vốn không đúng quy định; sử dụng tài sản công để khai thác không đúng quy định; Tài sản đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đổi tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ...