Vi phạm là phải phạt

ANTĐ - Hai tháng đầu năm 2012, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông, làm chết 60 người. Hà Nội kiến nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng ý cho tăng mức xử phạt đối tượng vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… Đề xuất này là cần thiết để thiết lập lại trật tự giao thông, tăng cường an toàn cho người và phương tiện. Tuy nhiên, có một “lỗ hổng” trong xử phạt vi phạm giao thông lâu nay dường như chưa được quan tâm đúng mức, đó là việc xử phạt người đi xe thô sơ, người đi bộ vi phạm giao thông còn thiếu cương quyết.

Tại rất nhiều ngã tư, khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, người đi bộ, người điều khiển phương tiện thô sơ dù không được phép qua đường vẫn “thẳng tiến” trước mặt cảnh sát giao thông. Rất hiếm trường hợp vi phạm như thế này bị xử lý; ngược lại, nếu xảy ra tai nạn, người điều khiển phương tiện hiện đại hơn đi đúng làn đường lại phải gánh trách nhiệm nặng nề hơn trước pháp luật, gia đình nạn nhân…

Vào giờ tan học, tại nhiều cổng trường, học sinh ùa ra đường và thản nhiên đi ngược chiều. Người điều khiển phương tiện khác phải tránh, và nghiễm nhiên, các em không bị phạt. Thậm chí, trước cổng trường T. trên đường Lê Văn Lương kéo dài, các bậc phụ huynh còn thừa nhận việc vi phạm giao thông của con em mình. Cổng trường này có tấm biển rất to, bày tỏ ý kiến của phụ huynh học sinh “đòi” mở lối sang đường, nếu không học sinh đi ngược chiều rất nguy hiểm, mà họ không hiểu rằng, với một tuyến đường lớn như vậy, mở lối sang đường là bất hợp lý.

Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật là quy tắc chung dành cho tất cả mọi thành viên của xã hội. Mọi hành vi vi phạm đều phải bị xử phạt nghiêm minh và công bằng. Không nên “bắt chẹt” người dân bằng tăng cường các biện pháp xử phạt hành chính, nhưng cũng không nên nương nhẹ để gây ra những hậu quả đáng tiếc. Kèm theo đó, cần có sự hợp tác giáo dục, tuyên truyền ý thức tốt từ gia đình và xã hội đối với mỗi cá nhân để pháp luật nói chung và luật an toàn giao thông nói riêng được tôn trọng thực hiện.