Vì phẩm giá con người

ANTĐ - Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 13-5 khiến dư luận rất lo ngại: Đến năm 2015, trên thế giới vẫn còn khoảng 2,4 tỷ người, tương đương 30% dân số toàn cầu, không được tiếp cận các cơ sở vệ sinh cơ bản.

Cảnh đi lấy nước sạch xa hàng cây số ở châu Phi

Tháng 7-2011, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc về quyền tiếp cận nước sạch và các điều kiện vệ sinh, Liên hợp quốc đã tái khẳng định việc được sử dụng nước sạch và các điều kiện vệ sinh là quyền cơ bản của con người. Thậm chí câu chữ được đưa ra trong hội nghị còn nói rất rõ rằng “Các quyền này đảm bảo cho con người được sống trong phẩm giá và tự do”. Tiếp cận dịch vụ vệ sinh cũng là vấn đề liên quan đến hầu hết các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG).

Thế nhưng, khi thời hạn cuối cùng để thực hiện các MDG là năm 2015 đang đến rất gần, các quyền để con người sống trong “phẩm giá và tự do” vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải. Trong số 2,4 tỷ người đang sống trong các điều kiện vệ sinh không đảm bảo, có tới 761 triệu người phải sử dụng các khu vệ sinh công cộng và 693 triệu người phải sử dụng các thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu về vệ sinh. 

Thống kê của LHQ cho thấy đến cuối năm 2015, vẫn còn gần 1/3 dân số thế giới vẫn chưa tiếp cận được với những phương tiện vệ sinh tiêu chuẩn. Còn hiện tại, khoảng 1 tỉ người trên thế giới vẫn đi vệ sinh ngoài trời, và 90% trường hợp là ở các vùng quê. Hệ quả là 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết hàng năm và 443 triệu ngày học bị mất vì các bệnh liên quan đến thiếu nước sạch và các điều kiện vệ sinh.

Đánh giá về thực trạng này, người đứng đầu chương trình toàn cầu của UNICEF về nước sạch, điều kiện vệ sinh S. Wijesekera khẳng định đảm bảo vệ sinh là vấn đề khẩn cấp, đáng sợ không kém một vụ động đất nghiêm trọng hay một trận sóng thần khi mà hàng ngày, trên thế giới có hàng trăm trẻ em tử vong vì điều kiện sống không đảm bảo vệ sinh. Còn theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, mất mát kinh tế toàn thế giới do điều kiện vệ sinh yếu kém lên đến 260 tỉ USD một năm. 

 Theo các chuyên gia, việc cải thiện điều kiện vệ sinh sẽ có tác động tích cực đến điều kiện sống của con người, đặc biệt là trong việc xóa đói nghèo, tăng cường sức khỏe trẻ em và chống bệnh tật.

Chính vì thế, trong thông điệp gửi các nước trên thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định nhiệm vụ cấp bách trước mắt của cộng đồng thế giới là biến những cam kết thành hành động thực tế cung cấp cho con người nước sạch và các điều kiện vệ sinh. Ông nhấn mạnh trong khi nhiều nước đã đưa quyền tiếp cận nước sạch và vệ sinh vào Hiến pháp và luật pháp, các nước khác cần hành động không chậm trễ theo hướng này để đảm bảo tất cả mọi người được hưởng các quyền sống trong phẩm giá, tự do và phúc lợi.