Vi phạm dừng đỗ: Truy đến cùng để xử phạt

ANTĐ - Sau 1 tháng lực lượng CSGT tập trung đẩy mạnh xử phạt phương tiện vi phạm dừng đỗ trên địa bàn thành phố, bức tranh giao thông đã phần nào sáng sủa hơn. Tuy nhiên, để tránh không lặp lại tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, riêng CSGT là không đủ.

CSGT niêm phong một chiếc xe vi phạm để kéo về nơi tạm giữ


Ngang nhiên vi phạm

Với 100 tổ công tác xử lý vi phạm dừng đỗ được “phủ” kín khắp các tuyến phố trọng điểm của thành phố, cộng thêm sự tham gia liên ngành của lực lượng Thanh tra giao thông, sau 1 tháng triển khai, 3.676 trường hợp vi phạm đã bị CSGT xử phạt. Những tuyến phố trước kia vốn dĩ vừa là đường đi vừa là điểm dừng đỗ phương tiện tự phát như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng… thì nay cơ bản đã vắng bóng dần vi phạm.

Trung tá Nguyễn Văn Tòng-Đội trưởng Đội CSGT số 1 khẳng định: “Nhiều chủ phương tiện cũng không còn dám dừng đỗ xe trên vỉa hè vào quán ngồi uống nước hay bỏ đi hàng giờ mặc kệ cho đường tắc và nguy cơ xảy ra va chạm giao thông. Ý thức của một bộ phận lái xe đã được nâng cao nhờ chế tài xử phạt kết hợp với công tác tuyên truyền của CSGT”.

Theo tìm hiểu của PV, dù số trường hợp vi phạm bị xử phạt đã tăng gấp nhiều lần so với cùng thời gian trước đó nhưng ở nhiều tuyến phố, tình trạng chủ phương tiện cố tình dừng đỗ xe sai quy định vẫn diễn ra. Đơn cử, dọc tuyến đường Nguyễn Chí Thanh nhất là đoạn qua khu vực giao cắt với phố Chùa Láng, Huỳnh Thúc Kháng hoặc gần cổng trường Đại học Luật… hàng ngày bất chấp sự kiểm tra nhắc nhở của CSGT, nhiều chủ phương tiện vẫn thản nhiên dừng đỗ và bỏ xe dưới lòng đường. Tình trạng ùn tắc tại đây thường xuyên diễn ra nhất là vào trong những ngày mưa khi dòng phương tiện bị các xe dừng đỗ chiếm dụng phần đường lưu thông.

Trung tá Nguyễn Văn Tài-Đội trưởng Đội CSGT số 3 bức xúc: “Sáng nào một tổ công tác của đơn vị cũng tuần tra, xử phạt nhưng không hết. Chủ phương tiện bỏ xe lại, không chịu xuất hiện để giải quyết và thậm chí có nhiều trường hợp còn gọi điện thoại để nhờ can thiệp khi bị CSGT xử phạt. Khi CSGT kiên quyết xử lý nghiêm, nhiều người còn tỏ thái độ thách thức, chống đối bằng nhiều cách khác nhau”.

Kết hợp giữa phạt “nóng” và “nguội”

 Trước thực trạng trên, bên cạnh yêu cầu phối hợp đồng bộ hơn giữa các tổ công tác cũng như tăng cường thêm phương tiện cẩu kéo, Phòng CSGT đã chỉ đạo xử phạt “nguội” lái xe vi phạm. Những chiếc xe vi phạm nếu không có chủ xe đến giải quyết, CSGT sẽ chụp ảnh, lập biên bản ghi đầy đủ ngày giờ, địa điểm… làm bằng chứng xử phạt và gửi thông báo vi phạm về nơi công tác, sinh sống của chủ phương tiện.

Thượng tá Đào Vịnh Thắng-Phó Trưởng phòng CSGT đánh giá, hình thức xử phạt này sẽ khiến những chủ phương tiện vi phạm không còn cơ hội cố tình chây ỳ không chịu xuất hiện. Ngoài ra, đối với những chiếc xe mang biển xe công, CSGT cũng lập biên bản xử phạt, tạo được sự bình đẳng đối với tất cả phương tiện vi phạm.

Biện pháp xử phạt “nguội” bằng hình ảnh là khá hay nhưng trong quá trình triển khai hiện vẫn còn nhiều điểm vướng mắc, đó chính là công tác xác minh chính xác địa chỉ và lái xe vi phạm. Dù Phòng CSGT khẳng định: trong trường hợp những chủ phương tiện nhận được thông báo xử phạt không đến làm thủ tục vi phạm khi lưu thông phương tiện trên đường sẽ bị CSGT tăng mức xử lý nhưng không phải lúc nào CSGT cũng phát hiện ra chiếc xe vi phạm trong hàng trăm nghìn phương tiện đang lưu thông trên đường.

Trung tá Nguyễn Thanh Hải-Đội trưởng Đội Tuần tra dẫn đoàn nhận xét: “Đối với những phương tiện đã mua đi bán lại qua mấy đời chủ và không làm thủ tục sang tên thì rất khó xác định người vi phạm là ai”. Nhiều thông báo của đơn vị gửi đi đã không có phản hồi. “Ngoài việc kéo các lực lượng khác cũng như chính quyền sở tại nơi có các điểm trông giữ xe vào cuộc, nếu chủ xe vi phạm không xuất hiện CSGT sẽ dùng xe cẩu kéo về bãi tạm giữ. Người vi phạm khi đến giải quyết phải có chứng nhận của chính quyền nơi sinh sống hoặc cơ quan đang làm việc. Biện pháp này sẽ tăng tính giáo dục, răn đe và ràng buộc đối với người vi phạm” - Trung tá Hải nêu kiến nghị.